Home / Di tích / Phủ / Phủ Vân Cát – Xã Kim thái nằm trong quần thể di tích Phủ Giầy

Phủ Vân Cát – Xã Kim thái nằm trong quần thể di tích Phủ Giầy

Phủ Vân Cát cách phủ Tiên Hương chừng 1 km về phía Bắc, thuộc thôn Vân Cát xã Kim Thái. Phủ Vân Cát được xây dựng trên một khu đất rộng 2 mẫu 3 sào 12 thước Bắc Bộ, nằm giữa cánh đồng rộng, có đường nối từ đường 56 qua Phủ Chính sang Phủ Vân Cát và tới đường 12. Theo số liệu đo đạc, năm 1986 diện tích xây dựng Phủ Vân là 648m2, trong đó diện tích sử dụng 644m2.

Lịch sử hình thành Phủ Vân Cát

Căn cứ theo bia Thành Thái thứ 12 (1900), vào thời Lê Cảnh Trị (1663 – 1667) miếu thờ bắt đầu lập dưới dạng đơn sơ. Đến thời Tây Sơn, ông cử nhân Trần Gia Du mới bắt đầu mở rộng. Sang thời Tự Đức, Phủ bị hư hỏng nhiều. Năm Tự Đức thứ 10 (1857) trùng tu lại gác chuông và hai cung trong. Đến thời kỳ Thành Thái thứ 10 – 12, ông Cao Xuân Dục, Tổng đốc Nam Định sai lính ở tỉnh về cùng dân làng Vân Cát xây Phủ to ra, xây thêm hai cung ngoài và thủy lâu trước Phủ. Còn phương du được làm vào thời kỳ Nguyễn Môn.

Công trình Phủ Vân Cát gồm bốn cung, tả hữu là hai dãy hành lang chạy dọc. Trước Phủ là hệ thống Ngũ môn cao to bề thế. Cổng gồm năm cửa vòm làm kiểu chồng diêm hai ba tầng với hàng chục cột trụ. Tất cả tạo nên những khối cao thấp, to nhỏ nhấp nhô vừa chắc chắn lại vừa thanh thoát. Nhiều văn bia được đặt dưới các cửa ngọ môn ghi việc Liễu Hạnh giáng sinh, việc tiến cúng cũng như việc xây dựng công trình đền phủ.

Có thể bạn quan tâm: Phủ Tiên Hương (Còn gọi là Phủ Chính) & những câu chuyện bí ẩn

phủ vân cát thờ ai

Phía ngoài Ngũ môn có hồ bán nguyệt, giữa hồ là một tòa phương du ba gian mái cong. Trước kia, đây là nơi các quan khách đứng xem kéo chữ vào dịp hội tháng Ba. Phương du được làm bằng gỗ lim, lợp ngói nam, bốn góc các mái đao được uốn cong. Ngoài bốn hàng cột góc (hoành vuông cột tròn đường kính 27 cm), còn có bốn cột đá vuông (25 X 25cm) đỡ bốn ke góc. Các xà, bẩy đều được chạm mai, điểu, trúc hóa, vân ám một cách thanh thoát đẹp mắt. Các đầu dư chạm khắc bong kênh theo nghệ thuật thời Nguyễn. Xung quanh hồ được kè và xây tường hoa bằng đá cẩm quy xanh, trang trí bằng những mảng chạm hoa chanh, hoa cúc, hoa thị. Trên bốn trụ lớn ở gian giữa có nghê chầu bằng đá, đặc biệt hai mặt tường hoa ở gian giữa có những khóm trúc, khóm mai và hai con voi được chạm trên một lát đá hoa mỏng, đường nét tinh xảo. Bốn mặt tường nền thủy lâu xây toàn bằng đá hộc từ đáy hồ đến mặt hồ. Hai đầu nhà phương du có hai chiếc cầu đá cong nối với bờ. Đây là công trình kiến trúc công phu được làm vào năm Thành Thái thứ 12 (1900).

Phía trong Ngũ môn là khoảng sân rộng trước khi vào công trình chính. Nhìn phía ngoài, Phủ Vân Cát được kiến trúc kiểu hai tầng tám mái có khoảng cách. Sự phối hợp giữa các đầu kìm và đao tạo nên một sự hòa hợp có tính chất động trong không gian tĩnh. Sự lô xô của các con guột ở đầu đao, con sô, con nghê trên đỉnh mái vừa tạo nên vẻ vui mắt vừa tạo sự mềm mại, duyên dáng. Đỡ mái phía trước Phủ có sáu cột trụ vuông, chân bằng thạch tản (đá),tạo vẻ vững chắc cho công trình. Bộ cách cửa do khách miền Nam cúng tiến chạm vân mây, rồng, hoa lá… đường nét rất tinh xảo.

Cung đệ tứ phía ngoài gồm 5 gian gỗ lim, thượng mê hạ kẻ, hoành vuông cột tròn đường kính 35cm. Các xà, kẻ, bẩy được gia công chạm khắc, soi chỉ công phu nhiều hình tứ linh, tứ quý.

Bên trong về phía hai đầu hồi, thay cho các vì kèo là hệ thống moi góc, một chân đạp tàu mái, một đầu đội nóc vừa đỡ cho bộ mái phía ngoài thêm vững chắc, vừa là bộ phận cùng với đầu dư trang trí cho phía trong. Dưới các moi góc là trụ đòn đỡ được chạm hoa mai, hoa cúc chạy xung quanh, các đầu đỡ trụ là những con nghê sinh động. Hệ thống bẩy chạm các đề tài tứ linh, tứ quý, các vì kèo chạm mặt hổ phù, chữ triện…

Gian giữa cung đệ tứ có một sập thờ chạm lộng, trên đặt ngai thờ quan Giám Sát (Quan đệ nhị). Hai bên sập thờ có giá để những đồ bát bửu. Trong cung này có những bức y môn và đại tự chạm khắc cầu kỳ và sơn son thếp vàng rực rỡ.

Cung đệ tam tiếp theo, gồm năm gian gỗ lim có sáu hàng xa, ba hàng cột hoành vuông, đường kính 30cm. Phần điêu khắc của cung đệ tam đơn giản hơn nhưng kỹ thuật làm mộng, cách tạo dáng, xâm mộng cũng khá đẹp.

Hai bẩy ở gian giữa chạm khắc long hóa vân ám. Đặc biệt nhất là ba bức y môn lộng lẫy kết hợp giữa chạm bong và chạm lộng. Phía trên y môn chạm “lưỡng long chầu nhật”. Phần dưới được chia ô làm các trụ lưng kiểu dải lụa, chạm các hình long mã, hổ phù, rùa, trúc hóa, mai hóa cách điệu.

tượng thờ trong phủ vân cát
Tượng Ngũ Vị Tôn Ông tại Phủ Vân Cát

Cung đệ tam có hai ban thờ đơn giản, đều bằng gỗ, thờ Công đồng Tứ phủ và Bà Chúa bản đền. Cung đệ nhị thu hẹp lại còn ba gian, thờ Tứ vị chầu Bà và Tam tòa Quan lớn. Ba sập thờ Tam tòa Quan lớn phía ngoài, được chạm nổi mặt hổ phù, “thao thiết” ở bốn góc. Trên sập thờ giữa, có hai khám nhỏ thờ quan Hoàng Bảy (bên trái) và Hoàng Mười (bên phải), sơn áo màu vàng, ngồi ở tư thế khoanh chân, tay đặt lên đầu gối.

Bàn thờ Tứ vị chầu Bà nhỏ, phía trong, sát chính cung. Trên bàn có một khám thờ mái chóp, sơn son thếp vàng, chạm lộng hình rồng phượng. Trong khám có bốn pho tượng (cao 30cm) mặc áo màu xanh, đở, trắng, vàng.

Cung đệ nhất (chính cung) ở trong cùng, bao gồm ba gian khung gỗ làm theo kiểu mái cuốn lợp ngói ta. Trên ban thờ có ba khám thờ Tam toà thánh Mẫu: Mẫu đệ nhất – Liễu Hạnh, mặc áo đở được đặt chính giữa; Mẫu đệ nhị – áo xanh – bên trái và Mẫu đệ tam – áo trắng bên phải.

Ngoài bốn lớp cung, bên phải Phủ còn có một tòa nhà nhở ba gian: gian giữa thờ Bà Cai bản mệnh. Trên bàn có bốn khám thờ đặt các pho tượng nhở, gian bên phải thờ ông Hoàng Mười (tượng cao 50cm) mặc áo kiểu quan ngày xưa.

Có thể thấy, di tích Phủ Vân Cát là một công trình đẹp, tuy nhiên về quy mô cũng như kiến trúc có phần khiêm tốn hơn so với phủ Tiên Hương. Trong Phủ còn lưu lại 20 câu đối, nhiều đại tự có giá trị lịch sử. Theo biên bản kiểm kê năm 1986 của Bảo tàng Nam Hà, tổng số hiện vật ở Phủ Vân là 90 – đều nguyên bản, trong đó đồ mộc gồm 23; 22 hiện vật sành sứ, thủy tinh và 45 hiện vật còn lại là các kim loại khác. Phủ Vân có hai chuông và 9 bia.

Tiếp tục đọc: Phủ Chúa Trịnh- Những bí mật chưa từng được tiết lộ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *