Home / Di tích / Đền / Lịch sử ra đời Đền Cuông Nghệ An

Lịch sử ra đời Đền Cuông Nghệ An

Đúng ra phải gọi là đền Công (có nhiều chim công), nhưng tiếng địa phương đọc chệch thành đền Cuông. Đền ở trên núi Mộ Dạ, huyện Diễn Châu, Nghệ An, là nơi thờ Thục An Dương vương. Truyền thuyết ta nói rõ về sự tích này: Đây là nơi vua Thục trị tội con gái, và lao mình xuống biển sâu, mang theo mối hận lòng. Chưa rõ đền được lập từ bao giờ, nhưng vào đầu thế kỷ 19, đã thấy Phạm Đình Hổ nói đến trong sách Vũ Trung tùy bút. Các đời vua Nguyễn từ Gia Long đến Khải Định đều cho tu sửa.

 

Tìm hiểu về Đền Cuông

Đền Cuông rất nổi tiếng trong cả nước, đặc biệt là vùng Bắc Trung Bộ. Hàng năm có lễ quốc tế rất long trọng và lễ hội náo nhiệt.

Thuở ban đầu di tích được xây dựng tại cửa Hiền (một cửa biển, nay thuộc xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Tương truyền đó là nơi Thục An Dương Vương và con gái Mỵ Châu cùng đường, tự vẫn. Đến thời Lê, di tích được chuyển về dựng trên sườn núi Mộ Dạ (nay thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An) – Cách cửa Hiền độ 3km về phía Nam. Dãy núi này nguyên xưa có tên là núi Hạc, cảnh quan rất đẹp, đã được người xưa liệt vào “Đông Thành bát cảnh”, tức là một trong 8 cảnh đẹp của đất Đông Thành.

Xem tiếp: Đền Cờn Nghệ An & Những giai thoại

đền cuông ở nghệ an

Dân gian truyền tụng rằng: Sau khi vua Thục mất, mỗi khi màn đêm buông xuống, trên núi Hạc có những đốm lửa to cứ lập lòe tỏa sáng. Dân quanh vùng cho rằng những đốm lửa đó, chính là linh hồn vua Thục đời về ngự trên núi, nên đã lập miếu, rước bài vị vua Thục và Mỵ Châu về thờ trên núi Hạc và tên gọi Mộ Dạ sơn (Núi Chiều Tối) có từ đó. Nhưng thuở ấy Mộ Dạ sơn có rất nhiều chim công sinh sống, đặc biệt là thế núi Mộ Dạ trống xa tựa như một con chim công khổng lồ đang giang cánh, xòe đuôi múa, mà đền lại nằm ở vị trí có dáng đầu con chim công, vì vậy dân quanh vùng thường gọi ngôi đền theo đặc điểm của địa danh là đền Công, tiếng địa phương, nói chệch ra là đền Cuông.

Hiện nay đền Cuông có các kiến trúc chính sau:

  1. Cổng đền và hệ thống tường giác, nhà voi ngựa.
  2. Nhà bia (dựng năm 1864), văn bia do tiến sĩ Phạm Huy Lượng soạn, nói về công tích Thục An Dương Vương và việc thờ phụng.
  3. Tam quan xây kiểu chồng diêm 8 mái.
  4. Hạ điện: xây dựng 1864.
  5. Trung điện: xây dựng 1864.
  6. Thượng điện: Được xây dựng ở thời Lê, đến 1897 được tu bổ, xây dựng lại.
  7. Tả, hữu vu: xây dựng 1950.

Nhìn chung đây là một công trình kiến trúc cổ có quy mô đồ sộ, cấu trúc độc đáo, xây cất trang trí công phu. Tại đây hiện còn lưu giữ được một số đồ tế khí quý như bia đá, sắc phong, long ngai hiệu bụt, tượng, kiệu, đại tự… Năm 1975, đền Cuông đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuạt.

Nhân vật chính được thờ tại đền là Thục Phán An Dương Vương, dân gian xưa thường gọi là vua chủ – người đã kế nghiệp 18 vua Hùng lãnh đạo nhân dân Lạc Việt dựng nước và làm nên những cuộc kháng chiến đánh Tần đuổi Triệu lẫy lừng trong khoảng nửa đầu thế kỷ III T.CN.

Theo các sử liệu còn lại, sau khi đánh đuổi được nhà Tần, nhà Triệu lại nhảy vào đánh chiếm Âu Lạc, nhưng nhân dân Âu Lạc rất kiên cường, quả cảm, lại có thành cổ Loa kiên cố, vũ khí lợi hại (Mũi tên đồng một phát bắn chết hạng ngàn tên)… nên không thể đánh chiếm Âu Lạc một cách dễ dàng. Sau nhiều lần thất bại, vua nước Triệu là Triệu Đà hiểu rằng: không thể đánh chiếm Âu Lạc bằng vũ lực, nên đã tìm phương kế mới. Y xin giảng hòa, rồi cho con trai mình là Trọng Thủy đến cầu hôn Mỵ Châu – con gái Thục An Dương Vương. Với tục ở rể của người Âu Lạc, Trọng Thủy được vào ở hẳn trong thành cổ Loa. Sau khi đánh cắp được mọi bí mật về quân sự của nhà nước Âu Lạc, Trọng Thủy trở về mật báo, Triệu Đà kéo quân sang. Thành cổ Loa phút chốc rơi vào tay nhà Triệu. An Dương Vương cùng con gái Mỵ Châu bở kinh thành phi ngựa chạy về phương Nam, đến cửa Hiền, biển sâu, núi cao, kẻ giặc thì truy kích ráo riết cùng đường, vua Thục chém Mỵ Châu rồi tự vẫn. Tương truyền lúc đó rùa vàng hiện lên, rẽ nước đưa vua Thục đi.

Dưới các triều đại phong kiến, đền Cuông được xếp vào hàng nhà nước tế.

Trên mặt chính của lầu từ cổng tam quan đền hiện vẫn còn lưu được dòng chữ Hán đắp nổi rất lớn “quốc tế thượng từ” (đền nhà nước tế).

Xưa, hàng năm tại đền Cuông có hai kỳ lễ chính: Xuân tế (vào 15 – 2 âm lịch) và thu tế (vào 15 – 8 âm lịch). Mỗi kỳ tế như thế thường diễn ra trong 3 ngày, dân thập phương về dự lễ rất đông. Chủ tế những năm đại hội là quan đại thần trong triều, còn thường năm thì chủ tế là quan tổng đốc xứ An Tĩnh (cứ bốn năm thì có một kỳ đại hội). Đến kỳ lễ, các quan đại thần trong triều và quan hàng tỉnh đều về dự nhưng ít khi làm chủ tế, mà thường là cử, chọn những vị đại khoa hiệu hoặc quan thông thạo việc tế lễ đứng ra làm chủ tế đại diện (Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục và Tế tửu Hoàng giáp Đặng Xuân Thụy đều đã được chọn làm chủ tế tại một số lễ hội ở đền Cuông). Khi đến các kỳ lễ chính như vậy, cả tổng Cao Xá cùng chung sức lo liệu, trong đó có 4 làng (là Cao Quan, Cao Ái, Yên Phụ, Tập Phúc) chịu trách nhiệm đảm nhận trực tiếp việc tế thần (Bao gồm các việc chính như: cử ban lễ nghi, mổ trâu, bò, lợn, gà, soạn mâm cỗ hiến tế…)

tìm hiểu về Đền Cuông

Ban lễ nghi của đền gồm có 35 người, chia thành 4 ban nhở:

  • Ban tế: gồm 1 chủ tế và 2 bồi tế.
  • Ban chấp sự: 24 người luân phiên lo hương khói.
  • Ban tri đồ: 4 người bảo vệ nội điện.
  • Ban tri diện: 4 người bảo vệ vòng ngoài.

Mỗi kỳ lễ chính ở đền Cuông thường có 6 phần chính sau:

  1. Lễ rước nước:

Trước khi vào hội một ngày, các làng cử người đi lấy nước. Nước phải lấy từ giữa sông, rồi múc từng gáo đổ vào chum (chum đã được chùi sạch và có căng một miếng vải đở bịt qua miệng chum để lọc nước). Sau đó khiêng các chum nước lên kiệu rước về đền Cuông.

  1. Lễ mộc dục:

Sau khi nước được rước về đền, lễ mộc dục được tiến hành. Lễ mộc dục là lễ tắm rửa tượng thần và các đồ tế khí trong đền. Thành phần tham gia lễ mộc dục gồm một số người có tín nhiệm, được bốn làng (Cao Quan, Cao Ái, Lập Phúc, Yên phụ) cử lên.

Lễ mộc dục gồm các phần việc như sau; Đầu tiên là thắp hương, dâng lễ, sau đó tiến hành công việc một cách thận trọng, các tượng thần, được .tắm hai lần: lần đầu dùng vải sạch tắm bằng nước lọc đã được rước về. Lần sau tắm lại bằng nước ngũ vị (hoặc nước trầm hương).

  1. Tế gia quan:

Là lễ khoác áo, mũ cho tượng thần. Sau khi khoác áo, mũ cho tượng thần xong, tiến hành tuần tế trước long kiệu.

  1. Lễ rước thần (Lễ rước kiệu):
  2. a) Theo truyền thuyết ở địa phương thờ ngày xưa, vào một buổi sáng, dân chài ra biển thấy một chiếc kiệu từ biển Đông trôi vào cửa Hiền (tương truyền đó là nơi vua Thục tự vẫn) sóng đẩy kiệu lên bờ. Dân các làng quanh vùng rủ nhau ra khiêng nhưng không nổi, duy chỉ có làng Cao Ái là khiêng nổi kiệu và kiệu đó được đưa về đặt tại đình làng Cao Ái. Dân trong vùng cho rằng đó là hồn thiêng của vua Thục đời về nhập điện đình Cao Ái. Tục rước kiệu ở đền Cuông có từ đó. Thực chất đó là việc rước long ngai, hiệu bụt của vua Thục, công chúa Mỵ Châu và tướng Cao Lỗ từ đền Cuông về đình Cao Ái để dự lễ tế thần (xưa, đình Cao Ái là nơi tổ chức lễ tế thần của bốn làng: Cao Quan, Cao Ái, Tập Phúc, Yên Phụ). Tế xong lại rước long ngai, hiệu bụt của vua Thục, Mỵ Châu và Cao Lỗ trở về yên vị đền Cuông. Rồi, từ các đình làng trong vùng rước long ngai, hiệu bụt của thần Thành hoàng làng mình về đền Cuông hợp tế (dự lế đại tế).

Không khí của lễ rước này rất tưng bừng, rộn rã. Từ nửa đêm, các ông hiệu đã đóng trống, khua chiêng để mọi người sửa soạn. Sáng ra, trống chiêng gióng 3 hồi 9 tiếng gọi hội, mọi chức sắc, bô lão, thanh thiếu niên… lễ phục trang nghiêm, tề tựu đông đủ để tham gia lễ rước. Khi hiệu trống và hiệu chiêng hòa nhịp, pháo nổ ran là lúc cuộc rước bắt đầu.

       b) Cấu trúc của một đám rước trong các kỳ lễ chính ở đền Cuồng theo tuần tự như sau:

Tốp 1: Đội cờ (gồm 10 người cầm cờ)

Đi đầu là một người khỏe mạnh, mặc áo nẹp, đội nón đấu, cầm cờ tiết mão. Kế đó là 5 người y phục màu nâu, nẹp đở, thắt lưng bó que, tay cầm cờ ngũ hàng (Mỗi người cầm 1 cờ có màu sắc tượng trưng cho một thứ vật chất: kim trắng, mộc xanh, thủy đen, hoa đỏ, thổ vàng kế sau cờ ngũ hành là cờ tứ linh, do 4 người (y phục như 5 người trên) cầm. Mỗi người cầm một cờ có trang trí hình tượng một trong bốn con giống long, ly, quy, phượng.

Tốp 2: Đội bia biển: 2 cái

Do 2 thanh niên (y phục như đội cờ) cầm. Mỗi biển đề hai chữ Hán: Biển 1: “Hồi ty” (tránh đi)

Biển 2: “Tinh túc” (Im lặng)

Tốp 3: Đội bát bửu

Do 8 thanh niên cầm 8 loại binh khí (gươm, đao… chùy, mã tấu, chấp, kích…)

Tốp 4: Đội bát âm

Đi đầu là hai người gánh trống và một người đánh trống, kế đó là chiêng (có giá gánh). Trống, chiêng điểm nhịp từng tiếng theo nhịp 1 – 2. Rồi đến kèn, sáo, nhị, nguyệt, phách…

Tốp 5: Án thư (long đình)

Do 4 đô tùy khiêng và 4 người khác đi kèm theo để thay phiên. Trên án thư có mâm quả và đỉnh trầm đang tỏa hương. Hai bên án thư có tán, lọng che rất tôn nghiêm (Mỗi đám rước của một làng có một án thư) các đô tùy mỗi người đeo một vòng hoa bưởi hoặc một vòng hoa có hương thơm để được tinh khiết trước thánh thần.

Tốp 6: Kiệu long hành (kiệu bát công)

Kiệu do 8 người khiêng, trên kiệu có bài vị, mũ áo thần vàng, nến, đỉnh trầm.

Tốp 7: Sau kiệu là thứ tự các vị chức sắc, bô lão ăn mặc lễ phục tế hoặc áo theo đen, quần ống sớ trắng, khăn xếp, giày gia định.

Tốp 8: Đội múa lân

Đi sau đội múa lân là nhân dân địa phương và khách thập phương về dự lễ.

  1. Lễ đại tế:

Lễ đại tế thường dâng 6 tuần rượu.

Ban tế tài lễ này gồm 19 người:

  • 1 chủ tế.
  • 2 bồi tế (giúp việc cho chủ tế); 2 đồng văn (trống, chiêng).
  • 2 nội tán: Đứng hai bên chủ tế, dẫn chủ tế khi ra vào và trợ xướng.
  • 10 chấp sự: Đứng hai bên phụ trách việc dâng hương, dâng rượu, chuyển chúc, đọc chúc.

Ngoài ra còn có đội bát âm điều hành buổi lễ cho hai vị đông xướng và tây xướng.

  1. Lễ túc trực:

Là lễ soát lại bài vị và tượng thần cùng đồ tế khí để chuẩn bị rước các thần Thành hoàng trở về các đình làng (sau khi đã dự đại tế xong).

Ngoài phần nghi lễ như đã nêu trên, trong các kỳ lễ chính ở đền Cuồng còn diễn ra nhiều trò hội náo nhiệt khác nhau như đánh đu, cờ người, đấu vật, kéo co, chọi gà, diễn tuồng, hát ca trù v.v… nhiều anh tài của các làng, tổng đã nô nức về đền Cuông đua dự.

Thường thì trước khi vào hội khoảng một tháng, các phường, hội đã tụ tập trước sân đền để bàn bạc, tập tành làm cho không khí hội đền Cuông trước đây kéo dài ra.

Trong những năm gần đây, lễ hội đền Cuông đã được phục hồi trở lại, đông đảo du khách trong, ngoài tĩnh đã về dự hội, trong đó các nam thanh nữ tú là chủ yếu, đặc biệt có hai hiện tượng hơi lạ xảy ra vào đúng giữa kỳ lễ hội đền Cuông của hai năm.

Năm 1995, một con hạc về chao lượn quanh khu vực đền Cuông, rồi sà vào một người đi hội; Năm 1996 một con cá voi có trọng lượng khoảng 3 tấn, đã bị mất đầu, giạt vào bờ biển xã Diễn trung, theo truyền thuyết thì đó là nơi Thục An Dương Vương đã chém Mỵ Châu. Nhiều người cho rằng đó là linh hồn vua Thục và công chúa Mỵ Châu về đền Cuông dự lễ hội nên hàng vạn người đã đổ về đền Cuông dự hội làm cho không khí hội đền Cuông trong mấy năm gần đây càng tưng bừng, náo nhiệt, linh thiêng.

Đọc thật chậm: Tìm về ngôi Đền Tam Giang

 

 

Đọc Thật Chậm

Đền Bảo Lộc Nam Định & Những chuyện chưa từng kể

Đền Bảo Lộc Nam Định & Những chuyện chưa từng kể

Đền Bảo Lộc ở Tòa đình chính, thờ Đức Đại Vương và các tướng lĩnh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *