Đình Khương Thượng hiện nằm ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đình Khương Thượng nằm ở trung tâm của làng. Vậy đình thờ ai và kiến trúc của Đình thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây
1. Sự tích đình Khương Thượng
Đình làng Khương Thượng thờ thành hoàng là Phổ Hóa Hoằng Tĩnh Chiêu cảm đại vương. Theo truyền thuyết xưa kể lại thì khi thành lập làng một đêm trên trời có hào quang lạ kỳ chiếu xuống một cái gò lớn ở ngoài đồng của làng.
Dân làng thấy là điềm lành bèn chung tay nhau xây dựng miếu thờ ở đó. Đến đời ông Cao Biền nhà Đường sang đã phong cho thần là Phổ Hóa Hoằng Tình Chiêu cảm đại vương. Đến đời vua Lý Thái Tổ, khi đắp thành Đại La, một đêm ngủ ở miếu, gặp thần báo mộng. Đến đời nhà Lê đã mở trường thi võ ở đây, truyền đắp một gò lớn gọi là núi Cây Cờ. Khi trong nước có giặc, thần đã âm phù, giúp vua giết giặc. Vua cấp cho 7 mẫu công điền để làm ruộng thờ thần.
Thần đã được triều đình phong 20 đạo sắc, gồm 12 sắc đời Lê, sớm nhất là đời Lê Thần Tông niên hiệu Dương Hòa 8 (1642); 2 sắc đời Tây Sơn; 6 sắc đời Nguyễn, gần đây nhất là năm Khải Định 9 (1924). Bản sao những sắc này do Trường Viễn Đông Bác Cổ sưu tầm năm 1938, hiện nay vẫn còn được lưu trữ ở Trung tâm Thông tin khoa học xã hội.
2. Thiết kế Đình Khương Thượng
Phía trước đình là một hồ nước lớn, sân đình tương đối mát vì được các cây cổ thụ trong sân che nắng. Qua sân là nhà phương đình hình vuông, hai mái, các góc có trục lừng chạm khắc hình hoa sen. Các con giường của bộ vì nóc tạo thành các bức cốn chạm khắc hổ phù, rồng mây khá đẹp, các đầu dư cùng là các đầu rồng. Giữa các xà đại thượng và xà đại hạ có tượng con nghê với đường nét nổi khá sinh động. Qua phương đình là tòa đại đình 9 gian. Tuy nhiên hiện nay nền và mái đình bị hư hỏng nhưng các kiến trúc cổ còn khá nguyên vẹn. Các đầu dư, cốn góc, xà, bẩy hiên chạm khắc dày đặc các đề tài rồng mây, rồng lá, rồng trúc…
Hòa với các kiến trúc cổ là các bức đại tự, hoành phi, nhang án được chạm khắc và sơn thếp rực rỡ, tạo nên một khung cảnh cổ kính. Hậu cung của đình trước kia nối với đại tự thành hình chuôi vồ nhưng đã bị hỏng, nay xây mới cùng với hai giải vũ, không có gì đặc biệt. Ở sân trước cửa đình còn dựng một tấm bia đá ghi được dựng vào năm Khải Định thứ 8 ghi chép đầy đủ lại việc sửa chữa ngôi đình.
Đình Khương Thượng là một trong số ít ngôi đình có kiến trúc cổ có niên đại thế kỉ 19 hòa với không gian cây xanh và hồ nước, đình Khương Thượng đã tạo thành một khung cảnh đặc sắc ở ngay giữa thủ đô Hà Nội. Đình đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 27.12.1990.
Hy vọng qua bài viết quý vị đã phần nào hiểu hơn về sự tích cũng như kiến trúc của di tích lịch sử Đình Khương Thượng. Mọi ý kiến đóng góp vui lòng chia sẻ vào form thông tin bên dưới bài viết