Home / Văn hóa & Tôn Giáo / Thái sư Lê Văn Thịnh (? – 1096) & Những điều mọi người cần biết

Thái sư Lê Văn Thịnh (? – 1096) & Những điều mọi người cần biết

Lê Văn Thịnh quê ở Kinh Bắc, nhưng thi đỗ trạng nguyên ở Thăng Long, làm quan suốt 20 năm đến chức Thái sư đầu triều ở Thăng Long và cũng tại Thăng Long đã kết thúc cuộc đời chính trị của ông.

Cuộc đời Lê Văn Thịnh

Ông sinh tại làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1075, triều Lý mở khoa thi nho học đầu tiên để chọn hiền tài gọi là khoa Minh Kinh bác học. Lê Văn Thịnh đã đỗ đầu khoa thi này. Như vậy, ông là người khai khoa cho cả nước ta, đỗ thứ nhất của khoa thi thứ nhất. Lúc đó chưa có các học vị tam khôi. Đến đời Trần 1247, mới định ra các học vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa nên người đời sau coi Lê Văn Thịnh cũng là một vị trạng nguyên. Do vậy, ngày nay ở đền thờ ông xây trên nền nhà cũ tại Bảo Tháp có bức hoành phi “Lê trạng nguyên cố trạch”.

thái sư lê văn thịnh

Sau khi đỗ, ông được chọn vào dạy ông vua trẻ vừa lên ngôi được 4 năm và mới có 11 tuổi là Lý Nhân Tông. Sau đó ông được trao những chức quan khác nhau, đến năm 1084 tức sau 9 năm làm quan đã là Thị lang bộ Binh (nhân vật thứ hai sau Thượng thư) và cầm đầu phái bộ Đại Việt sang trại Vĩnh Bình tỉnh Quảng Tây bàn về vấn đề biên giới. Ông đã hoàn thành công việc đòi lại một số đất đai cho tổ quốc. Sự thể như sau:

Cuộc chiến tranh Việt – Tống (1075 – 1077), quân Tống bị thiệt hại nặng nề. Ngoài bốn thành trì lớn là Khâm, Liêm, Ung, Bạch và bốn trại Thái Bình, Vĩnh Bình, cổ Vạn, Thiên Long, phía Tống còn mất 8 vạn phu, 11 vạn chiến binh, chỉ còn gần 3 vạn lính sống sót chậy về nước. Bù lại, Tống có chiếm của Đại Việt châu Quảng Nguyên, Tư Lang, Tô Mậu, Môn và Quang Lang (nay là vùng biên giới tỉnh Cao Bằng). Nhưng quân Lý đã phải dùng vũ lực và quân Tống đã trả lại năm châu đó (năm 1079). Nhưng họ vẫn giữ những đất mà một số tù trưởng trước khi nổ ra chiến tranh 1075 đã nộp cho Tống để xin quy phục.

Tháng 6 năm Giáp Tý, Lê Văn Thịnh sang Vĩnh Bình đòi các đất ấy. Phái viên triều Tống lý sự: “Những đất mà quân ta chiếm thì đáng trả cho Giao Chỉ. Còn những đất mà các người coi giữ mang nộp để theo ta thì khó mà giả lại”.

Lê Văn Thịnh lập lại: “Đất thì có chủ. Các viên coi giữ mang nộp mà trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Việc chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không thể tha thứ, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại mang đất trộm dâng để làm nhơ bẩn sách sổ nhà vua !”. Đanh thép như vậy, phái viên Tống đuối lý nhưng vẫn lần khân cãi chầy cãi cối. Sau cuộc biện luận kéo dài hàng tháng, phái viên Tống phải trình lên vua và cuối cùng vua Tống quyết định trả lại cho Giao Chỉ 6 huyện là Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đinh, Phỏng, Cận và hai động Túc, Tang. Hẳn với thành tích này mà chỉ ít tháng sau, vào năm 1085, Lê Văn Thịnh được phong chức Thái sư, tức chức quan đứng đầu triều. Từ đó sử sách có ghi những việc lớn thuộc quyền hạn của ông trong thời kì ông giữ chức vụ này:

  • Năm 1086, mở khoa thi tuyển người vào Hàn lâm viện. Mạc Hiển Tích đỗ khoa này, sau là danh thần từng đi sứ Chiêm Thành đem lại nền hòa hiếu cho hai nước.
  • Năm 1088, phân định các chùa trong nước thành ba hạng: đại, trung và tiểu danh lam, cho quan văn chức cao kiêm làm đề cử (quản lý) vì bấy giờ các chùa có nhiều của cải nhất và nhiều điền nô, một nguồn nhân lực, một lực lượng đáng kể khi bình cũng như khi loạn.
  • Năm 1089, phân định lại các chức quan văn võ, hầu cận nhà vua
  • Năm 1092, lập sổ ruộng, thu tô mỗi mẫu 3 thang để làm nguồn cấp lương cho quân đội.

Sử chỉ ghi một số việc như vậy song cũng thấy thái sư Lê Văn Thịnh chú trọng tuyển người tài trong giới nho sĩ, cho làm quan thay dần các vị sư tăng; sắp xếp lại các chùa, tức cải tổ lại cách quản lý các tự viên vốn đương thời có nhiều thế lực ở địa phương; đưa các văn quan (tức nho sĩ) nắm việc quản lý tự viên có thể là để hạn chế quyền lực các sư tăng. Lại còn việc định ra tô ruộng, đây là việc làm đầu tiên về chính sách thuế khóa ruộng đất của triều Lý. Mà ngay hai triều Đinh – Lê cũng chưa có chuyện này. Định tô ruộng là có lợi cho quốc khố mà như Nguyễn Duy Hĩnh đã nhận định: “Đánh thuế ruộng tư là chắc chắn đánh vào thành phần hữu sản, tầng lớp trên… chủ yếu là quan lại và hào phú địa phương)

Cả hai quyển sử đều cho rằng Lê Văn Thịnh học được phép thuật ở một gia nô người Đại Lý (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc), bây giờ giở ra để giết vua.

Sự khác nhau cả hai quyển trên ở những điểm sau:

  • Về thời gian thì Việt sử lược ghi là tháng 11 mùa đông, Toàn thư ghi là tháng 3 mùa xuân.
  • Về lý do quy tội cho Lê Văn Thịnh thì Việt sử lược ghi thấy trong thuyền của Lê có khí giới, còn Toàn thư thì ghi là trong thuyền có con hổ (hẳn định vồ vua), khi Mục Thận quăng lưới bắt hổ thì hổ là Lê.
  • Về địa điểm đày ải: Việt sử lược ghi là đày Lê tới Lương Giang (tức sông Chu, tỉnh Thanh Hóa), còn Toàn thư ghi là đày lên Thao Giang (tức đoạn sông Hồng qua tỉnh Phú Thọ).

Về hai điểm đầu thì không ai lý giải được, về điểm thứ ba thì có người cho rằng ban đầu Lê bị đày lên Thao Giang, sau chuyển vào Lương Giang. Lý do là ở vùng huyện Đông Sơn trên lưu vực sông Lương tỉnh Thanh Hóa sau này có nho sĩ Lê Quát, danh thần đời Trần là hậu duệ Lê Văn Thịnh biết điều đó !

Trở lại vụ án trên, ta thấy có nhiều khuất tất bí ẩn. Trước hết việc Lê Văn Thịnh học được phép thuật ở một gia nô là điều bịa đặt. Trong đời thực làm gì có phép thuật! Lại còn hóa hổ thì thật là hoang đường. Rồi khi vua ra ngoài cung cấm thì tất phải có tiền hô hậu ủng, ít ra thì cũng có một đoàn cung nữ và thị vệ theo hầu. Làm sao mà Nhân Tông lại một mình một thuyền được.

Ấy vậy mà vẫn cứ ghép Lê Văn Thịnh vào tội mưu giết vua! Vậy có thực là Lê Văn Thịnh đã mưu phản, giết vua, cướp ngôi không?

Thứ nhất, ông là một nho sĩ đang cố đưa Nho giáo thành một học thuyết chính trị chính thống để đẩy lùi Phật giáo đã tha hóa, suy thoái. Không lẽ gì ông lại phủ định tam cương ngũ thường, phủ định trung hiếu là nguyên lý cơ bản của Nho giáo.

Thứ hai, lúc này trong triều còn bà thái hậu Ỷ Lan sắc sảo, quyết đoán, đầy quyền uy, sẵn sàng thủ tiêu mọi kẻ kình địch, lại còn cả đại tướng Lý

vụ án oan thái sư lê văn thịnh

Thường Kiệt đang nắm binh quyền suốt một dải từ Thanh Hóa trở vào Nam và tuy cao tuổi nhưng vẫn phương cương: năm 1103, tức 7 năm sau vụ Lê Văn Thịnh ông còn cầm quân dẹp giặc Lý Giác ở Diễn Châu (Nghệ An), năm sau 1104 lại dãn đại quân đánh Chiêm Thành gây hấn, tiến tới tận Cri Bonei (nay là thành phố Quy Nhơn) và thắng lợi.

Người trí thức tầm cỡ như Lê Văn Thịnh hẳn không dại gì mưu phản. Vậy vì sao mà có vụ án Dâm Đàm?

Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu đã lật lại các trang sách sử cũ, đối chiếu, so sánh, tìm hiểu, phân tích tình hình chính trị, văn hóa, tư tưởng đương thời, đã tổ chức hội thảo khoa học tháng 10 năm 1993 tại thị xã Bắc Giang (ngày ấy Bắc Giang là tỉnh ụ tỉnh Hà Bắc gồm Bắc Ninh, Bắc Giang), xem xét lại vụ án Dâm Đàm, và đi đến kết luận như Đỗ Huy đã nêu: “Vụ án Lê Văn Thịnh phản ánh cuộc đấu tranh ý thức hệ Nho – Phật thời Lý ở Việt Nam).

Theo Đỗ Huy cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, đây là trận đấu đầu tiên giữa hai ý thức hệ và Nho giáo tạm thời thua để rồi sang đời Trần thì mới bắt đầu thắng với những Trương Hán Siêu, Lê Quát và đến thời Lê thì mới ca khúc khải hoàn. Lê Văn Thịnh bị hại vì những việc làm của ông, nói khái quát là đã đánh vào đặc quyền đặc lợi của sư tăng và quý tộc.

Rất có thể là Lý Nhân Tông cũng hiểu là Lê Văn Thịnh không hề muốn giết mình. Đương thời mưu phản chỉ có chết. Hoàng thái hậu Thượng Dương chỉ mới tỏ ra không phục Ỷ Lan mà đã bị chết, kéo theo là bảy tám chục sinh mạng nữa. Vậy mà Lê Văn Thịnh chứa khí giới hoặc hóa phép thành hổ để mưu giết Nhân Tông mà chỉ bị đi đày, mà chỉ một mình chịu tội, không bị chu di tam tộc.

Hẳn Lý Nhân Tông nhận ra sự thực, đây chỉ là một màn tuồng do ai đó đạo diễn nên không nỡ giết hại một nhân tài, lại là thầy học của mình, có điều là vua cũng bị nhiều sức ép. Thực ra nhân dân không coi Lê là người mưu phản thí vua. Bằng chứng là rất nhiều làng ở vùng quê Kinh Bắc lập đền thờ ông. Tại làng quê Bảo Tháp, đền “Lê trạng nguyên” trang trọng. Ở quê mẹ là làng Thi Xá (Quế Dương), ở nơi ông từng ngồi dạy học là làng Chi Nhị (Gia Bình) đã đành là có đền thờ ông, cả tượng của ông, mà ngay các huyện lân cận, mộ tiếng ông cũng lập đền thờ ông như Thuận Thành (Bắc Ninh), Việt Yên (Bắc Giang), cả thảy là tám làng.

Về mặt nhà nước, ngay Văn Miếu Bắc Ninh hiện vẫn giữ được tấm bia khắc tên Lê Văn Thịnh với tư cách người đứng đầu 599 trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ đất Kinh Bắc và các triều đại phong kiến sau này đều có sắc phong ông là thành hoàng, sắc cổ nhất có niên đại Cảnh Hưng 28 (1767). Lê Văn Thịnh đúng là một nhân vật lịch sử đã phải trả giá cho việc đi tiên phong cải cách xã hội giữa lúc các điều kiện còn chưa chín muồi.

 

 

 

Đọc Thật Chậm

chữ đức đẹp

Chữ Đức và những ý nghĩa trong từng nét bút

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về hình ảnh những ông đồ già, người xin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *