Một cô gái ở làng quê Lưu Gia miền Ấp Biển (nay là Lưu Xá, Hưng Hà, Thái Bình) với sắc đẹp trời cho của mình, đã vào được cả những trang dòng chính sử, lẫn cặp mắt của hoàng thái tử nhà Lý, bắt đầu từ đoạn biên niên về năm 1209 của sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Hoàng thái tử (Lý Sảm, bỏ kinh thành chạy loạn) đến thôn Lưu Gia ở Hải Âp, thấy người con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ”.
Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung là ai?
“Người con gái của Trần Lý, có nhan sắc” ấy, lấy được hoàng thái tử nhà Lý, từ năm 1209, chính là Trần Thị Dung. Và đấy là một cuộc hôn nhân định mệnh, không chỉ đối với tuổi thiếu niên – khi ấy mới vừa 15 – của hai thân phận cực kỳ chênh khác, mà còn là đầu mối dẫn đến việc mất ngôi của cả một triều đại cũ, và sự thiết lập hẳn một vương triều mới, chỉ trong vòng hơn 10 năm tiếp theo sau.
Ngay ở năm đầu của cuộc sống lứa đôi, Trần Thị Dung) và Hoàng thái tử Lý Sảm đã phải mỗi người một nơi. Bởi, cô chỉ như là một mối dây để buộc nối thế lực và tham vọng của dòng họ Trần ở quê hương mình với sự nghiệp và triều đình nhà Lý đã rã rời ở kinh đô Thăng Long mà thôi. “Nhà Trần Lý” – mà cô là con gái, người cha đẻ Trần Lý, chú ruột Trần Hoằng Nghị, còn có cậu ruột Tô Trung Từ, các anh trai Trần Thừa, Trần Tự Khánh, và đặc biệt là người em con chú con bác Trần Thủ Độ… – như lời sử cũ chép: kiêu dũng, dân dã mà giàu có bởi “ăn sóng nói gió” ở một vùng ấp biển trù phú mà hoang sơ, ngay sau khi kết thân được với hoàng tộc triều đình, đã – vẫn lời sử cũ – “họp hương binh để dẹp loạn, rước vua (Lý Cao Tông) về kinh, khôi phục chính thống”!
Những tưởng đấy là dịp để cô gái miền nước mặn đồng chua cũng tiến kinh để nhập cung cùng chồng, nhưng: “Mùa xuân, tháng ba, (năm 1210) vua sai Thượng phẩm phụng ngự là Đỗ Quảng đem quân về nhà Tô Trung Từ đón hoàng thái tử về kinh sư, còn người con gái (Trần Thị Dung) thì… về nhà cha mẹ! (Bấy giờ) Trần Lý đã bị bọn giặc khác giết, con thứ là Trần Tự Khánh thay đem quân chúng về kinh, được phong là Thuận Lưu bá!”(2) Như vậy là nàng dâu dân dã đã bị nhà chồng hoàng tộc ruồng rẫy. Nhưng vị thế và dòng họ nhà Trần của cô – nhờ thực lực của mình, và sự thực dụng của triều đình – vẫn thông qua nút dây Trần Thị Dung bị ghẻ lạnh mà đạt được ý đồ, tham vọng: cài người vào cung đình Thăng Long!
Vua Lý Cao Tông mất ngay vào mùa đông năm ấy tại cung Thánh Thọ, giữa hoàng thành Thăng Long mà họ Trần vừa góp phần khôi phục. Và đấy cũng là dịp để hoàng thái tử Lý sảm kế nghiệp, lên ngôi, trở thành “Lý gia đệ bát đẽ” Huệ Tông, khi mới 16 tuổi. Nhà vua trẻ bây giờ đã là bậc quân chủ triều đình, và “hành động toàn quyền” đầu tiên của hoàng đế vừa mới trị vì chính là: “Đem thuyền rồng đi đón Trần thị” 1
Nhưng cũng phải đến năm sau nữa – tới tháng hai năm Tân Mùi (1211) – Trần Thị Dung mới đến được kinh kỳ, gia nhập gia đình hoàng tộc nhà Lý, và trở thành người Thăng Long, với danh vị là nguyên phi của vua Lý Huệ Tông. Lý do vẫn chỉ là sự níu kéo, giằng co, khi lỏng khi chặt, nhưng đầy rối rắm, giữa tình thế hỗn loạn của một cuộc “đau đẻ lịch sử”, “chuyển dạ thời đại”, đầy rẫy những âu lo và âm mưu, thủ đoạn, từ hai nhà và họ Lý – Trần! Những người đại diện cuối cùng của triều đình nhà Lý – đặc biệt là bà mẹ vua: thái hậu Đàm thị – luôn coi Trần Thị Dung là cái gai mà nhà họ Trần đem cắm vào cơ thể đã mục ruỗng của mình. Còn đại diện cho thế lực của nhà họ Trần – lúc đầu là những Trần Tự Khánh, Tô Trung Từ (anh thứ và cậu ruột của Trần Thị Dung) và về sau; khi những người này đã chết, thì đến lượt những Trần Thừa, Trần Thủ Độ (anh cả và em con chú con bác của Trần Thị Dung) – ra sức thao túng con bài đắc dụng này.
Tất cả xoay vần giữa vòng xoáy thế sự đảo điên như thế, Trần Thị Dung, hết long đong trôi giạt theo chồng và nhà chồng, từ Thăng Long lên Châu Lạng (Lạng Sơn), về cửu Liên (Hưng Yên), lại trồi sụt thăng giáng thân phận, từ nguyên phi, xuống ngự nữ, rồi phu nhân…, thậm chí còn lâm cả vào cảnh rập rình giữa sống và chết: “Thái hậu (Đàm thị) cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ phu nhân (Trần Thị Dung) mà nói là bè đảng của giặc, bảo vua (Lý Huệ Tông) đuổi bỏ đi; lại sai người đến nói với phu nhân, bảo phải tự sát. Vua biết, mới ngăn lại. Thái hậu bèn bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân, Vua phải chia mỗi bữa ăn cho phu nhân một nửa, và không lúc nào cho rời bên cạnh. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc đến bắt phu nhân phải chết. Vua ngăn lại không cho, rồi đêm ấy, cùng phu nhân lẻn đi đến chỗ quân của Trần Tự Khánh… ”(4)
Chỉ đến /và từ / năm 1216 ấy, sau 5 năm gắn bó giữa luân lạc, với Lý Huệ Tông, khi Trần Thị Dung mới bắt đầu sinh hạ con gái đầu lòng – Thuận Thiên công chúa – không phải giữa hoàng cung Thăng Long gác tía lầu son, mà là trên bãi sông Cửu Liên (Hưng Yên), thì khi ấy, cùng lúc với những người bảo trợ ruột rà của mình đã đứng được chắc chân tại chốn triều đình, Trần Thị Dung mới dần dà và đích thực, ổn định thân phận và thi triển vai trò của mình: “Mùa đông, tháng chạp, năm Bính Tý (1216), sách phong phu nhân (Trần Thị Dung) làm hoàng hậu, phong (Trần) Tự Khánh Lm thái úy phụ chính, cho anh trai Tự Khánh là Trần Thừa (tức: (về sau là) thượng hoàng nhà Trần) làm Nội thị phán thủ.. .”
Nhưng tai ương cũng còn bục ra từ trong bọc hoàng tộc nhà Lý liền ngay đấy: “Mùa xuân, tháng ba, năm Đinh Sửu (1217) vua (Lý Huệ Tông) dần dần phát điên, có khi tự xưng là thiên tướng giáng trần, tay cầm giáo và khiên, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, có khi thôi đùa nghịch, đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, thì uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh”
Tuy nhiên người chồng nửa điên nửa dại ấy, vẫn còn kịp sinh thêm với Trần Thị Dung vào tháng chín năm sau (1218) một con gái nữa – Chiêu Thánh công chúa – chính là cái chốt để sau đấy 7 năm, nhà họ Trần sẽ rút vặn, làm sập đổ cả cơ nghiệp trị vì 216 năm nhà Lý”.
Trần Thị Dung, trong vai hoàng hậu cuối cùng triều đại “Lý bát đế” ấy, đã sống ra sao và làm những gì, trong thời gian 7 năm cuối cùng của nhà Lý, giữa hoàng cung Thăng Long, thì không thấy sử cũ ghi chép dòng nào. Nhưng bằng vào những sự kiện đích thực trong lịch sử thời gian này, đặc biệt là việc thay mặt người chồng nửa điên nửa dại của mình, đem gả con gái lớn của mình – hoàng trưởng nữ Thuận Thiên – cho con trai cả anh ruột mình – tức cháu gọi mình bằng cô ruột – Trần Liễu – thì cũng đủ thấy: trong “màn dạo đầu” hoặc “khúc vĩ thanh”) của cuộc “đảo chính cung đình cuối năm 1225, cũng như là trong toàn bộ cuộc vận động chuyển ngôi từ Lý sang Trần (tức: “sự nghiệp thay đổi triều đại để phát triển lịch sử ở đầu thế kỷ XIII”), vai trò và đóng góp của Trần Thị Dung, rõ ràng không phải là nhỏ.
Đọc ngay: Thái sư Lê Văn Thịnh (? – 1096) & Những điều mọi người cần biết
Sử cũ ghi chép: Từ năm 1223, bệnh tình của “Lý gia đệ bát đế” Huệ Tông ngày càng nặng, và đến năm sau – mùa đông tháng mười năm Giáp Thân (1224) – thì xuống chiếu nhường ngôi cho công chúa út – Chiêu Thánh – để vào chùa Chân Giáo, đi tu! Việc lựa chọn – không phải ai khác, mà lại là – đứa con gái nhỏ vào lúc này mới 7 tuổi (kể cả tuổi mụ) để đặt vào ngai vàng, rồi tiếp ngay sau đó – mùa đông, tháng mười năm Ất Dậu (1225) – đem đứa con gái mới được 8 tuổi (kể cả tuổi mụ) ấy, gả chồng, rõ ràng, nếu không có sự đồng tình – hoặc giả, là chủ trương – của người mẹ, đồng thời là hoàng hậu, rồi hoàng thái hậu đương quyền Trần Thị Dung chắc chắn không thể được thực hiện.
Trong lễ nhường ngôi của con gái Lý Chiêu Hoàng cho con rể, cũng chính là đứa cháu nhỏ gọi mình bằng cô ruột – Thái Tông Trần Cảnh – ngày 11 tháng chạp năm Ất Dậu (1225), ở tòa chính điện Thiên An giữa tòa Long Phượng thành của kinh đô Thăng Long, không thấy có sự hiện diện của Sử cũ không chép rõ việc Thuận Thiên được gả cho Trần Liễu, là trước hay sau cuộc hôn nhân Chiêu Thánh – Trần Cảnh.
Trần Thị Dung, mà chỉ thấy sử cũ chép về “thánh phụ” Trần Thừa của Trần Cảnh giờ đã thành “Thượng hoàng nhiếp chính”, và chú họ của Trần Cảnh – Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ – giờ thì cũng được phong làm “Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị của nước”! Nhưng như thế không có nghĩa là trong việc đặt định anh ruột (Trần Thừa), cháu ruột (Trần Cảnh), em họ (Trần Thủ Độ) vào những chỗ chí tôn cực vinh như thế của việc triều chính, không có sự sắp xếp – hoặc chí ít cũng là sự thỏa thuận – của Trần Thị Dung! Sách “Khăm định Việt sử thông giám cương mục ” đã có đến hai chỗ (hai lần) ghi chép rõ – dĩ nhiên là theo lối viết sử của triều Nguyễn – về vai trò và tác động của Trần Thị Dung trong /và đối với/ những sự kiện lịch sử thời cuối Lý – đầu Trần này: “Trần Thủ Độ và vợ vua Huệ Tông (tức: Trần Thị Dung) tự tiện chuyên quyền, để ngầm chuyển ngôi vua nhà Lý”, và: “Hoàng hậu (nhà Lý – Trần Thị Dung) cùng với (Trần) Thủ Độ tư thông, rồi bàn mưu ở trong cung, làm tờ chiếu để vua nhà Lý truyền ngôi cho nhà Trần”.!)
Trần Thị Dung, đến cuối năm 1225 – đầu năm 1226, vậy là đã thi triển và hoàn thành “sứ mạng” mà dòng họ và thế lực nhà Trần giao phó và trông cậy ở bà, từ hơn 10 năm trước, trong vai trò của vợ thái tử, rồi vợ hoàng đế thứ tám nhà Lý, và mẹ của nữ hoàng cuối cùng triều đại này. Bây giờ, cùng với việc kết thúc một giai đoạn cuộc đời và sự nghiệp, thì cả hoàng đế lẫn nữ hoàng ở một thời vừa đã qua, đều không còn nữa, Bà cần có (hoặc nhận được) một số động thái (ứng xử) để tiếp tục cuộc sống và vai trò của minh, vẫn là người Thăng Long và sống giữa hoàng cung Thăng Long, nhưng ở vào một giai đoạn mới, tiếp theo: buổi đầu của thời /và triều/ Trần! Và thế là sử cũ chép gọn: “Giáng hoàng hậu của Huệ Tông làm “Thiên Cực công chúa”, gả cho Trần Thủ Độ, cho châu Lạng làm thang mộc ấp”!). Đây là việc trong dòng biên niên sử về mùa Thu, tháng tám năm Bính Tuất (1226).
Từ năm 1226 này, Trần Thị Dung – trong vai của một công chúa (tức em gái thượng hoàng, đồng thời là cô ruột hoàng đế) phu nhân của Quốc thượng phụ Trần Thủ Độ, được cấp lợi tức để sinh hoạt (tức: “thang mộc” = tắm gội) từ cả một châu (coi như một ấp riêng) là “châu Lạng” (tức Lạng Sơn ngày nay) – rõ ràng là đã đoạn tuyệt với quá khứ làm dâu nhà họ Lý, và thực sự trở thành như một người mẹ đỡ đầu cho nhà Trần. “Linh Từ quốc mẫu” là danh hiệu cũng còn thấy ghi cho bà trong sử cũ, nhưng không nói rõ khi nào thì bà được ai phong cho. Nhiều người đã nghĩ rằng đây là danh hiệu mà Trần Thị Dung đã có được, ngay từ cuối năm 1225 – đầu năm 1226, cùng lúc /và để đối sánh/ với hiệu danh “Quốc thượng phụ” của Trần Thủ Độ, cũng được phong vào lúc ấy! Nhưng ngay cả đến khi Trần Thủ Độ được phong tiếp làm “Thống quốc Thái sư” từ năm 1234, thì vẫn chỉ thấy – ở những chỗ có liên quan đến Trần Thị Dung – Sử cũ ghi về bà, hoặc là: “Phu nhân Trần Thủ Độ”, hoặc là: “Thiên Cực công chúa” mà thôi. Chẳng hạn như ở câu sau đây, thuộc biên niên sử về năm 1237: “Lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương (Trần) Liễu, anh vua (Thái Tông Trần Cảnh) làm hoàng hậu Thuận Thiên; giáng Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng, em gái Thuận Thiên) làm công chúa. Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực (Trần Thị Dung) bàn kín với nhau là: nên mạo nhận lấy đồ làm chỗ dựa về sau, cho nên mới có lệnh ấy”)
Với dòng sử liệu này, người ta không chỉ thấy là: cho đến hơn 10 năm sau khi làm “Người đỡ đẻ” – để cho ra đời được triều đại nhà Trần, phu nhân của Trần Thủ Độ vẫn còn mang danh hiệu “Thiên Cực công chúa”; mà, còn quan trọng hơn, là: trong vụ việc thay đổi hoàng hậu cho vua Thái Tông Trần Cảnh, lâu nay nhiều người vẫn cho là chủ mưu của Trần Thủ Độ, thì bây giờ, rõ ràng là c,ó cả sự tham mưu của Trần Thị Dung! Vậy là, tâm đầu ý hợp cùng người thực quyền nắm mọi việc chính sự ở buổi đầu thòi Trần, trong vai trò người vợ của vị Thái sư Thống quốc Trần Thủ Độ, công chúa Trần Thị Dung hẳn đã là một nội tướng (quốc) đích thực.
Một vài vụ việc nữa, như sau đây – không thấy ghi niên đại, vì chỉ được chép trong sử cũ vào đoạn biên niên về năm 1264, nhân nói về tính cách con người Trần Thủ Độ trong dịp ông qua đời, mà ở đây, có những tình tiết liên quan đến Trần Thị Dung – đã hé cho thấy mấy nét về bà, chủ yếu là qua những động thái có vẻ “nhi nữ thường tình” ở thời gian bà làm “nội tướng (quốc)” này. Đó là – chẳng hạn như – bà cũng đã từng “có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, (bèn) về dinh, khóc và mách với Thủ Độ rằng: “Mụ này làm vợ ông, thế mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn như vậy đấy!) (nhưng Thủ Độ lại thưởng cho người “ở chức thấp mà biết giữ đạo luật pháp” này); hoặc như bà còn có cả một lần “xin riêng (với Trần Thủ Độ) cho một người làm chân câu đương (tức: chức dịch cấp xã) (nhưng việc không thành, vì Trần Thủ Độ đã biết tìm đường khu xử cho “công tư trọn vẹn” bằng cách bảo người này rằng: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, nên không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác!”, khiến người này phải “kêu van xin… thôi, mãi mới tha cho…”).
Ngoài mấy chuyện có vẻ “nhi nữ thường tình” như thế, thì, ở những trường hợp “quốc gia đại sự”, người ta đều thấy Trần Thị Dung đã hành xử đúng với vị thế và vai trò của một “quốc mẫu”, đặc biệt là trong lúc đất nước lâm nguy, khi lần thứ nhất, quân Mông cổ kéo đến xâm lược, đầu năm 1258. Chiến lược thoát hiểm của triều đình nhà Trần khi ấy, để cứu nguy dân tộc, là kế “thanh dã” (vườn không nhà trống), thậm chí là còn cho giặc vào tạm chiếm cả kinh đô đất nước, để rồi sẽ tạo thời cơ mà phản công, tiêu diệt! Buổi đầu thực hiện chiến lược ấy, người phụ trách việc “sơ tán” hoàng gia, hoàng tộc và nhân sự triều đình khỏi Thăng Long, chính là Trần Thị Dung! Hơn thế nữa, bà còn là người đứng ra thu thập, tập trung quân khí ở nơi “sơ tán”, đưa dùng vào trận đánh thắng lợi ở giai đoạn sau của cuộc kháng chiến! Rõ ràng, đấy là một nữ “Chủ nhiệm tổng cục hậu cần” đầy công lao!
Chính sử thần Ngô Sĩ Liên ở thế kỷ XV nổi tiếng khắt khe, cũng phải hạ bút viết dòng sau đây, nhân bình luận về Trần Thị Dung đứng ra cáng đáng một phần việc kháng chiến lần thứ nhất của nhà Trần: “Công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị, thật là nhiều!” Nhận định này, còn đi kèm với thông tin – lần đầu tiên được biết – về vai trò của Trần Thị Dung, cũng còn có cả trong việc điều hòa mâu thuẫn nội bộ nhà Trần, hồi năm 1237 nữa, mặc dù thông tin này chỉ được viết ra trong đoạn biên niên sử về năm Kỷ Mùi (1259) – một năm sau chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất – nhân sử cũ chép việc: “Mùa xuân, tháng giêng, phu nhân Trần Thủ Độ là Linh Từ quốc mẫu Trần Thị mất”. Đó là đoạn “Lời bình” của sử thần Ngô Sĩ Liên
trước hết nói về ý nghĩa sự sinh tạo ra những nhân vật trọng yếu buổi đầu triều Trần của Trần Thị Dung: “Con gái bà là (Lý) Chiêu Hoàng nhường ngôi cho nhà Trần. (Cũng con gái bà là) Thuận Thiên, lại làm hoàng hậu của (vua Trần) Thái Tông và sinh ra (vua Trần) Thánh Tông. Yên Sinh vương (Trần Liễu) có hiềm khích với Thái Tông (Trần Cảnh), Linh Từ đã điều đình hòa giải, lại tình nghĩa anh em như xưa!”. “Lời bình” của sử thần Ngô Sĩ Liên, nhân việc Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung (mất) về trời, thế nào mà lại có câu kết thật hay về việc trời đã sinh ra người phụ nữ này: “Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần”!