Home / Văn hóa & Tôn Giáo / Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Khu gia nô Vạn Kiếp ở cách vương phủ không xa. Theo hình cánh cung như một vòng vây bảo vệ, những gian nhà gỗ nhỏ dài, dựng theo lối đi. Gia nô ở thời Ngô thời Lý thì hàng năm chỉ được phát một giải khố, mùa rét thêm hai tấm áo vải thô và một tấm chăn đơn bằng vải dầy. Trên các ổ nằm của họ, để tạo lấy hơi ấm, họ phải vào rừng lấy lá khô để trải. Gia nô trước đây không được ở thành gia đinh riêng, để tránh sự sinh con đẻ cái, ảnh hưởng đến công việc thường ngày.

Trần Quốc Tuấn là ai

Trang Vạn Kiếp vốn là một vùng giàu có. Gia nô của Hưng Đạo Vương thường được hưởng ân huệ của người. Cơm ăn đủ no. Những khi trang ấp có những yến tiệc lớn, bữa ăn của gia nô có rượu, thịt và ăn uống thỏa thuê. Trang Vạn Kiếp, gia nô không còn đóng khố. Mùa hè họ được phát những bộ quần áo mỏng, những chiếc quần lửng và những chiếc áo từ các khung dệt ở ngay trang ấp dệt thành. Nô tỳ gái được phát thêm một bộ quần áo. Họ lại còn được phát cho cả trầu cau, thuốc nhuộm răng ở các tuổi dậy thì…

Hung Đạo Vương thường chọn nhũng gia nô mạnh khỏe vào đội gia binh. Người tự soạn thảo ra binh thư, lấy người trong vùng để lập các phiên chế thể nghiệm. Hưng Đạo Vương cho các con trai mỗi người lập một trang trại riêng và nắm lấy những đạo quân chính. Do bị ném vào vùng đất chết, nên từ thời An Sinh Vương, đã biết tu chí, quyết lập trang ấp mình trở nên giàu mạnh. Ông một mặt cho đắp đê ngăn mặn, trồng cây những vùng đất để lấy lương thực nuôi môn khách và nô tỳ. Ông tổ chức một đội thuyền đánh cá, phơi cá, làm mắm và hàng năm, ngược các sông, tiềm nhập vào trang ấp khác mà đổi lấy những thóc vải đẹp nhất. Có người môn khách đem cách làm muối ở vùng đảo giáp biên giới, ông cho lập hàng kho dự trữ, hàng năm cung cấp cho kinh thành và đổi lấy những thứ hàng quý cần cho vương phủ của ông. Ông còn ngược lên tận vùng Đà Giang, Tam Đái đổi lấy những thổ cẩm, thuốc bắc, những lâm thổ sản quý giá khác.

Trang ấp Vạn Kiếp giàu bật lên như một vương triều nhỏ. Và Trần Thủ Độ rất lo chuyện Trần Liễu cậy thế mạnh cướp ngôi vua như năm nào đã nổi loạn trên sông Cái.

Nhung Trần Thái Tông lại không hề nghĩ đến chuyện anh làm phản. Khi Hưng Đạo Vương lấy Công chúa Thiên Thành làm vợ, Trần Liễu không ưng lắm. Ông muốn Hưng Đạo Vương liên kết với những chi thứ khác hơn là dòng họ của Trần Cảnh. Việc lấy người trong dòng họ đã trở thành một luật lệ không thể tránh khỏi. Dù con ông là con rể của em ruột mình, Trần Liễu nén mình không nói, nhưng trong thâm tâm, ông vẫn nuôi một chí hướng báo thù. Ông căm ghét Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu cùng cực. Nhưng ông lại hiểu em mình hơn ai hết. Trong đáy lòng ông, thời Trần cảnh, ông sẽ thôi không làm chuyện nổi loạn. Nhưng khi Trần Cảnh mất đi rồi, thì con ông là Hưng Đạo Vương, cần phải nghĩ giành lấy ngai vàng về cho ngành họ của mình. Quốc Tuấn lấy Thiên Thành Công chúa, thì cái ý đồ của ông như không được như ý nữa.

Cho đến lúc chết, ông vẫn trằn trọc không nhắm mắt được. Ông toan tính ngập ngừng, không biết có nên nói ra với các con cái chuyện ngôi vua canh cánh suốt cuộc đời của ông. Trang Vạn Kiếp đứng được, hùng mạnh được là do một tay ông tạo lập. Triều đình đã muốn chuyển giao cho ông trọng trách miền biên trấn, nhưng thực ra là một cuộc lưu đầy. Trần Liễu muốn cướp ngôi Vua, song ông không bao giờ theo giặc. Liên tiếp nhiều năm, Đa-ra-gu-tri ở kinh thành phái người về trang ấp bắt mối với ông, hẹn ngày, hẹn thời cơ để nổi loạn. Ông đều tìm cách khéo léo thoái thác. Không những thế, ông còn làm sớ tâu rành rọt các việc ấy với Nhà vua. Chuyện ngôi vua là một chuyện khác. Chuyện giữ vững non sông, đất nước, đền miếu của tổ tiên, làm rạng rỡ nền văn hiến là điều ông phải giữ cho toàn vẹn cùng với các tôn thất nhà Trần…

Trần Liễu mất đi, miền An Quảng – Vạn Kiếp càng giàu mạnh. Dưới thời Trần Quốc Tuấn, chỉ hơn mười năm sau, chợ bến Lục Đầu, chợ biển ngoài biển Bạch Long Vĩ, có thể nói là thứ chợ mà giữa kinh thành cũng không thể sánh kịp.

Nhờ cách sắp xếp khéo léo, phù hợp với công việc, người điều khiển, nên trang Vạn Kiếp, người nào việc ấy, khá qui củ. Dã Tượng được giao cho trông coi một khu, Yết Kiêu được chỉ huy những đội thuyền, khi mùa cá thì đánh cá, khi mùa cạn sửa thuyền, đóng thuyền chiến mới. Nguyễn Chế Nghĩa giành riêng việc luyện kỵ binh và lo chuyện phái người đi liên lạc với các nơi. Tuy ngồi một chỗ ở Vạn Kiếp, nhưng tình hình các trang ấp mạnh yếu thế nào Trần Quốc Tuấn đều biết cả…

Ông có niềm say mê việc quân từ bé. Một phần, khi bị đưa về vùng đất hoang An Quảng, Trần Liễu đã phải sớm dùng con trai mình, bấy giờ mới vào tuổi thiếu niên vào việc cai quản trang ấu Vạn Kiếp cho ông. Ông đặc biệt lo về mạn biển. Có năm, chín tháng Trần Liễu không về Vạn Kiếp. Có những đêm bão tố, nhà cửa cây cối đổ liêu xiêu, nghiêng ngả, gió giật đùng đùng, sấm chớp chói chang dữ tợn trên bầu trời. Tuấn lo cho cha không biết còn lênh đênh trên thuyền biển hay đã kịp ẩn náu vào một hang, đảo nào giữa biển khơi!

Chỉ khi nào thấy trạm gác ngoài báo đại vương đã về, Quốc Tuấn lật đật chạy tới, ôm chầm lấy cha, nhìn lên nét mặt thoắt vui, thoắt buồn; khi mệt mỏi hiện ra trên mặt, khi gục đầu vào mặt con để hưởng lấy cái hơi máu thịt ruột rà của mình. Chỉ một cái ôm chật hay lỏng là đủ biết kết quả của công việc của ông trong những tháng đằng đẵng lênh đênh trên biển.

Mỗi lần đi xa về, Trần Liễu ít hỏi han về công việc Quốc Tuấn làm gì ở nhà. Ông chỉ cần ngủ một đêm, sáng ra, lặng lẽ lấy một con ngựa, dắt trong mình một thanh đoản kiếm và đi thăm một lượt trang Vạn Kiếp. Ông sẽ thấy cảnh gia nô từng khoảnh đất, dậy rất sớm. Tiếng quát trâu cày đã văng trong các thung lũng. Tiếng chặt gỗ chát choang đã vang lên ở bìa rừng, át hẳn cả tiếng ríu ran của con khiếu hót giữa ban mai. Người thợ cả, bước qua cái đám thợ trẻ, dậy, cời lửa, uống trà hút thuốc, nghĩ đến việc hạ thủy con thuyền chiến theo kiểu của Hưng Đạo Vương vẽ mà đóng theo…

Yết Kiêu đã có mặt ở trên bờ sông. Có lúc anh nhảy từ thuyền này sang thuyền khác, xem từ chiếc cọc chèo đến những vầng lưới được sắp sẵn từ chiều hôm trước, chuẩn bị ra khơi Nguyễn Chế Nghĩa đã chính tay phân phát ngựa trạm cho những tên nô tin cậy, người thì về kinh thành truyền báo một tin mật cho Đức vua, người thì sang trang ấp của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, nói với bà Vương phi bên ấy, cậy người kén thêm cho một ít thợ rèn ở xứ Kinh Bắc để đem về rèn thêm vũ khí…

Từ khi Trần Liễu mất đi, Hưng Đạo Vương đã phải lo toàn bộ mặt biển Đông. Và bây giờ Đức vua xuống chiếu, khi Trưng Vù Đại Vương Trần Thủ Độ nằm xuống, ông lại thân phải lo việc binh suốt cả một miền biên giới nữa.

Sau khi tuyển Trinh Công chúa về cung làm vợ Thái tử, thì Vua Trần Thánh Tông cũng nhường ngôi. Con là Khâm lên ngôi, xưng là Trần Nhân Tông. Trinh Công chúa, con gái của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được phong làm Hoàng hậu. Sau ngày lễ đăng quang, Trần Nhân Tông, giao việc triều chính cho Tể tướng Trần Quang Khải và tuần du về Vạn Kiếp, cùng Hưng Đạo Vương đi thăm miền An Quảng và ngược sông Lục Đầu. Trần Quốc Tuấn được lệnh tiếp đón. Ồng lại báo cho Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, phải lo tổ chức tập trận ở cửa bể Nam Triệu để Ngài ngự coi, lại cho người phi báo cho Hưng Vũ Vương Quốc Nghiễn lấy quân ở các hạt Bàng Hà – Ba Điểm – Hồng Châu, hội sư ở bến Lục Đầu, chờ Ngài ngự đến sẽ bàn việc quân ở miền Yên Hưng – Vạn Kiếp. Lại cho mời Hưng Minh Vương Trần Tung, đến hầu chuyện Ngài ngự, về những đại sự quốc gia, hoặc những tông thuyết, về Thiền, về Lão mà Đức vua mới thích bàn…

Trần Quốc Tuấn lệnh cho Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Chế Nghĩa, mọi người phải chọn những quân voi ngựa, quân thủy, quân bộ thiện chiến nhất để Ngài ngự khi cần thì duyệt lãm. Lại truyền cho đội săn voi săn hổ, chọn những tay cung bách phát, bách trúng, những đội hò la vây ráp, những tay lao, tay giáo, sức khỏe hơn người để khi Ngài ngự tỏ ý thích săn hươu, săn hổ, thì sẵn sàng thỏa những ham thích của Đức vua…

Vua Trần Nhân Tông đến Vạn Kiếp trên những khinh thuyền. Thuyền ngự buổi chiều ở Đông Bộ Đầu và đến khoảng nửa đêm đã đến Vạn Kiếp. Đức vua trẻ, đang độ hào hoa, sẵn máu tráng sĩ và tâm hồn thi sĩ trong người. Ngài đã đi với thích thú riêng tư mà gạt bỏ đi những nghi lễ. Hưng Đạo Vương và Hưng Minh Vương không hề biết cuộc đi độc đáo ấy. Ngài ngự cũng không mang Hoàng hậu trẻ, vị Tể tướng lão luyện Trần Quang Khải theo, chỉ mang theo một Văn thần hiểu biết văn chương, đạo lý và một vệ sĩ sức có thể địch muôn người. Khi Phạm Ngũ Lão vào bẩm, Đức vua đã ghé bến, Trần Tung và Trần Quốc Tuấn mới giật mình, vội mặc quần áo đại trào và đem gia tướng ra đón.

Đến nơi, thấy Ngài ngự vận áo thiền sư, đội khăn nâu, tay cầm quạt dân dã, đi hài cổ, hai vương toan sụp lạy, Đức vua đã vội nâng dậy mà nói:

  • Xin miễn chuyện lễ nghi, miễn lễ. Quan gia hôm nay đến đây, không phải là chuyện xa giá tuần du, mà là thích bàn những chuyện lớn, liên quan đến đất nước, đến dòng họ. Quan gia thấy sự vi hành của mình là đúng. Nếu cứ bám lấy ngai vàng, bám sự lộng lẫy của hoàng cung ở Thăng Long thì đâu tận hưởng được cảnh trăng trong gió mát, sông nước lung linh. Đâu được nhìn được cảnh thần dân, vui cái vui trên bến tắm, đâu được nghe những lời ca ngọt ngào ở nương dâu…

Nói đoạn, Đức vua cười vang rất tự nhiên. Ngài lại nói:

  • Quan gia hôm nay đến đây, là muốn tìm đến các bậc cha chú, các bậc tài cao học rộng để cùng trau dồi nghĩa lý thiền tông, về đạo đời, đạo người, do đó mới mặc áo già lam, đi hài cỏ, ngồi thuyền nhẹ, như thể một môn khách mà đến đây chứ!

Hưng Minh Vương Trần Tung nói:

  • Cha con là cha con, vua tôi là vua tôi. Đức vua muốn trở về thiên bẩm, nhưng sứ mạng trời trao cho Ngài, ai mà gánh vác nổi.

Trần Tung lại hỏi:

  • Chẳng hay Thái thượng hoàng bận việc chi, sao không lai vãng đến trang ấp của chúng tôi?

Nhân Tông nhìn vẻ mặt thuần hậu của Hưng Minh Vương, lòng đầy mến mộ, bèn thưa:

  • Thái thượng hoàng nhắc đến Thượng sĩ luôn. Lo gì người chẳng vời ngài lên để nghe thuyết pháp về Thiền học. Người vừa đọc hết kinh Lãng Nghiêm mà Thượng sĩ gửi cho.

Rồi Nhà vua lại hóm hỉnh hỏi:

  • Hôm nay quan gia mặc áo nâu sồng, lòng nghe thuyết pháp lại muốn ăn chay. Chẳng hiểu hai vương tiếp ta bằng tiệc chay hay tiệc mặn đây!

Hưng Đạo Vương biết Đức vua muốn trêu Hưng Minh Vương Trần Tung, vì biết ông hiểu Phật theo tâm chí, không theo những vẻ khổ hạnh bề ngoài, liền đưa mắt có ý bảo Trần Tung trả lời. Thượng sĩ cười tủm tỉm:

  • Tâm tức Phật, Phật tức tâm. Khi trong lòng đã vượt qua được bến mê tìm đến cõi giác thì ai ăn chay cứ ăn chay, ai ăn mặn cứ ăn mặn, ai uống rượu cứ uống rượu, ai tụng kinh cứ tụng kinh.

Trần Nhân Tông rất thích câu trả lời cao khiết ấy liền cười vang mà bảo:

  • Chỉ có Chí Linh, Vạn Kiếp, Yên Tử, con người đằm với sông núi, mây trời. Tiếng chuông vang đủ tám cõi trong đêm mà không bị tiếng đục ngăn lại. Có thế mới hiểu được cái cao siêu của Đất, Trời, Phật, Pháp.

Một chốc giữa chốn mênh mông sông nước, Vua tôi chú cháu anh em cha con đã cùng tụ họp. Trần Nhân Tông ngậm ngùi hỏi Trần Tung:

  • Cõi màu nhiệm là gì?

Tung đáp:

  • Là nơi chưa hiểu được và cũng là nơi hiểu được.

Vua lại hỏi:

  • Ở đâu có cõi màu nhiệm?

Thượng sĩ Tuệ Trung (Trần Tung) thưa:

  • Xa rất xa, gần rất gần!
  • Sao lại thế?
  • Xa là nơi giấu cái huyền diệu màu nhiệm cho hàng vạn năm, gần là chỗ để người đời cảm thấy cõi huyền diệu là không có gì bí ẩn.

Vua lại hỏi:

  • Ớ cõi màu nhiệm có vua tôi, cha con, cây cỏ, núi sông không?
  • Cây cỏ núi sông cũng có thứ bậc. Con người sinh ra ở cõi màu nhiệm ư? Thứ bậc vẫn có mà sự huyền bí thì khác hẳn cõi trần này.

Trần Nhân Tông buột lời khen:

  • Chí lý lắm! Cao siêu lắm!

Rồi quay sang nói với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn:

  • Quốc công từ nãy đến giờ sao im lặng thế?

Quốc Tuấn hóm hỉnh cười:

  • Tôi là người của cõi trần, chứ không phải là người của cõi huyền bí, màu nhiệm.

Đức vua đắc ý cười to. Trần Tung thì tủm tỉm. Trần Nhân Tông đưa mắt nói:

  • Ta quá say chuyện hư vô, màu nhiệm. Bây giờ muốn nghe phương lược đối với ngoại bang của Quốc công đây.

Hung Đạo Vương khiêm tốn thưa:

  • Thật vinh hạnh cho thần, được Đức vua hết lòng trao cho việc nước.
  • Quốc cống chuẩn bị việc quân ở miền quan ải và hải đảo đến đâu rồi?
  • Tâu, thần biết trọng trách của mình, lại biết được thực lực của từng trang ấp. Giặc Thát là một kẻ mạnh, đánh đông dẹp bắc, vó ngựa đi đến đâu là thành trì sụp đổ, các quốc vương, công tước đều nộp ấn xin hàng. Nhà Tống văn hiến, mạnh mẽ đến thế mà chỉ mấy chục năm bị nuốt chửng cả đất Trung Nguyên. Nước nhỏ thôn tính nước lớn, thôn tính khắp vùng từ nơi mặt trời mọc đến nơi mặt trời lặn, thì không thể coi thường.

Trần Nhân Tông bậm môi suy nghĩ, mắt đãm đăm nhìn nơi xa:

  • Vậy thì phải làm gì bây giờ?

Trần Quốc Tuấn hỏi:

  • Tâu, Ngài ngự liệu xem ta có thể chống giặc được không?

Trần Nhân Tông nói:

  • Trước hết ta muốn được nghe cái mạnh, cái yếu của giặc.

Quốc Tuấn nói:

  • Giặc có mấy cái mạnh: Họ có những viên tướng tài, chỉ huy những đạo quân lớn, có thể dùng binh lực tập trung diệt tan một vương quốc, đó là cái mạnh thứ nhất. Giặc có một đạo quân viễn chinh từng trải, đánh đồng bằng đánh núi non đều thạo, đó là cái mạnh thứ hai. Giặc lấy binh đao để chinh phục hàng chục quốc gia, lương thực của cải rất nhiều, muốn tập hợp bao nhiêu cũng có, đó là điều mạnh thứ ba. Ba mặt mạnh ấy là đáng tính kể đến đầu tiên.
  • Thế còn những mặt yếu của giặc?

Hưng Đạo Vương chậm rãi nói:

  • Chiếm được nhiều đất, binh lực phải chia sẻ, phải để lại những chỉ huy giỏi để trấn áp các quốc gia mới chinh phục đó là cái yếu thứ nhất của giặc Thát… Chiến tranh liên miên, con trai đến tuổi thành niên đã bắt đi làm lính, dân chúng bị xáo trộn đời sống, bề ngoài có vẻ tán đồng, nhưng bên trong hận ngầm, oán kín. Lại thường chứa chất của nả cướp được trong chiến tranh, giới quý tộc được nhiều, binh lính được ít, lòng người phân tán, đó là điều yếu thứ hai. Giặc Thát bình định Trung Nguyên xong, cái mồi lớn vừa nuốt được thì cái họa bội thực cũng sinh ra. Người Trung Hoa ắt chẳng chịu cam phận làm tôi tớ cho giặc Thát, chất phản kháng thế nào cũng có. Ngay từ lúc vó ngựa Hồ đầu tiên giày xéo, giặc Thát cũng không thoát khỏi cảnh chết chìm trong đám lửa phục quốc của người Hán.

Trần Nhân Tông gật đầu liên hồi, khen:

  • Hay lắm! Phải lắm! Đúng lắm!

Người lại hỏi:

  • Thế còn cái mạnh, cái yếu của ta?

Trần Quốc Tuấn không một chút chần chừ, trả lời ngay:

  • Nước ta tuy nhỏ nhưng vua tôi cha con, trên dưới một lòng, đó là một thế mạnh. Địa thế nước ta hiểm trở, lại thuộc miền nóng, kẻ kia ở xứ rét, mùa đông băng tuyết dày, quen dùng ngựa trường chinh, vạn nhất kéo sang đây, chỉ ba mùa gió nóng, một mùa gió buốt là binh lính của Thát sẽ hiểu thế nào là thủy thổ bất phục. Đó chẳng là cái mạnh thứ hai sao?
  • Còn chỗ yếu của ta thế nào?
  • Yếu của ta ư? Điều đáng sợ nhất là sợ trong dòng họ kẻ nọ còn ỷ thế, kẻ kia còn cậy tài, ai cũng muốn làm Vua, ai cũng muốn làm tướng, không biết sức mình, không hiểu chính mình. Giặc Thát xảo quyệt, lấy chuyện gián điệp mà xúi bẩy, dùng tiền của, chức tước châu báu mà mua chuộc, để giáo đâm từ người thân cận, đất mất từ trong tay quý tộc vương hầu. Đó là điều đáng lo ngại nhất. Nhà Trần ta, bây giờ đã định vị, nhưng nỗi ấm ức dòng trưởng, dòng thứ vẫn chưa tan. Tôi và Thượng sĩ Tuệ Trung đây, xin hứa với Nhà vua, thề một lòng trung, nếu dòng trưởng chúng tôi ai có điều gì kia khác, hai anh em tôi quyết không dung thứ.

Trần Nhân Tông nghe, cảm động lắm. Vua bùi ngùi nói:

  • Đã đến bậc thức giả, liệu còn nghĩ đến những điều thiển cận được sao? Những ý lớn của hai vương chính cũng là ý nghĩ của Thái thượng hoàng và của ta vậy. Chúng ta đang đứng trước những phút nguy biến của sơn hà. Chỉ có trí tuệ của mọi người góp lại, chỉ có chí nguyện hết lòng vì giang sơn gấm vóc, mới có thể đưa đất nước khỏi họa xâm lăng được.

Cơm chiều đã bày, phu nhân từ trong nhà bước ra vui vẻ mời:

  • Xin mời Ngài ngự dùng cơm đã. Ăn xong lại tha hồ bàn bạc. Hôm nay đất Vạn Kiếp lấy rau đồng, cỏ nội, cá ngã ba sông đãi Ngài ngự, đúng là một bữa cơm thuần thức ở đồng quê.

Trần Nhân Tông nhìn cô ruột, lại nhớ đến cuộc tình duyên xưa của Hưng Đạo Vương với Thiên Thành Công chúa, liền vui vẻ nói:

  • Quốc công đây được cô mẫu giúp… thì lo gì đất Vạn Kiếp chẳng ngày một lúa đầy kho, vải vóc chất tận thềm nhà.

Vua dự một buổi săn voi. Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão chủ trì cuộc săn. Những gia nô khỏe mạnh, nhanh nhẹn hoạt bát mới được chọn theo. Người nào cũng hồi hộp mong mình được chọn hoặc sợ mình bị loại… Đội săn voi không định hình. Mỗi năm chỉ một hoặc hai lần. Với Dã Tượng, gã chỉ cần chọn người khỏe và gan. Phạm Ngũ Lão còn thích người có mẹo, biết ứng xử những lúc đàn voi bị dồn cùng đường cuống lên phá bĩnh.

Rút cuộc đội tượng binh của trang Vạn Kiếp là đội săn chủ lực. Sáu tên gia nô yếu nhất được thay bằng sáu gia nô trế mười lăm tuổi, được chọn cầm cồng chiêng đi trước đội săn để dồn voi vào chỗ hiểm…

Vua được Quốc Tuấn đích thân đi chầu hầu, Vua cưỡi ngựa hồng. Quốc Tuấn cưỡi ngựa bạch. Vua là một trang thiếu niên anh tuấn, trán cao, tay dài, mắt sáng long lanh, da trắng hồng như da thiếu nữ, cánh mũi nở, miệng hơi rộng, cằm vuông… Hưng Đạo Vương mặc triều phục chỉnh tề, áo võ màu tía, đi hài đen… Lá cờ tướng từ hôm Vua đến đã gỡ xuống, chỉ treo lên lá cờ ngũ sắc mang

một chữ Trần màu đỏ hiện giữa màu vàng… Cờ ấy, lá cờ chỉ dùng những ngày Vua ngự ở trang ấp. Viền của cờ theo các màu ngũ sắc còn lại và cuối cùng là những đuôi nhỏ hình lưỡi sóng màu xanh trang trí ở ngoài cùng. Cờ may bằng loại vóc Hàng Châu, thứ vóc phải mười viên ngọc trai mới đổi được một tấm… Cò mang theo đội săn hôm nay được thay thành cờ hiệu ngũ sắc của Hoàng đế, Hưng Đạo Vương còn cho vác theo cả một bộ sưu tập đồ binh khí lợi hại dùng vào việc đánh giặc ở một vùng sông nước, gồm có đủ câu liêm đinh ba, não bạt, thừng chạc, dao nhọn, tên tẩm độc và cung nỏ để người chiến binh có thể đánh xa hoặc đánh gần…

Săn voi ở Vạn Kiếp thường xảy ra trong mùa lũ. Bởi chỉ có mùa nước lớn, đàn voi mới chọn những vùng bìa rừng nhiều cỏ để sinh sống… Chúng có thói quen thường kéo nhau đi ăn vào lúc tảng sáng hoặc buổi chiều. Chúng theo một con đầu đàn, một đàn voi đông cũng phải vài bốn chục con, kèm theo những con voi nhỏ vừa mới sinh.

Tiếng cồng đã ran lên từ bìa rừng Vạn Kiếp. Đám gia nô nhỏ tuổi, từ mười lăm đến mười bảy, mình trần, đóng khố, giải trước buông dài hơn dải sau, để lộ ra những bắp vế săn, những cánh tay nổi bắp thịt lồ lộ thành tảng, những bờ vai trẻ có thể đặt bát nước lên không đổ. Đi xen với người gõ chiêng, gõ trống đồng là những tay lao bảo vệ gồm những gia binh có thể nhổ được cây, chém vỡ đá, những chiến binh một địch được hàng trăm tên lính khác, nhờ võ thuật và am hiểu phép dùng binh. Cứ mười sáu gia binh lại có một tiểu tướng kèm.

Quân dàn theo một cánh cung rộng, bí mật tiến đến nơi có đàn voi ăn. Dã Tượng đã phái những gia nô luồn rừng giỏi, theo dõi đàn voi từ mấy ngày hôm trước, bám sát chúng, và khi thấy cây rung, tiếng hú gọi, thì đốt lửa lên, gọi phường săn nhanh chóng đến gần.

Bởi cuộc săn voi này, Đức vua tham dự, nên nhất nhất đều phải làm đúng như qui củ, không được để sơ suất một điều gì. Hiệu lệnh của Hưng Đạo Vương ở Vạn Kiếp được thi hành răm rắp.

Khi đoàn săn đã đi đến vùng voi hay ra ăn chuối và có ở các bãi rậm sát kề bên bờ sông thì những tiếng hú gọi của đám gia nô, đã nhất loạt vang lên đầy ắp một khu rừng, tìm những người giấu mình sau những cành cây và các đám cỏ. Viên tùy tướng hầu cận vẫn lúc thì ở phía đầu của đoàn săn, lúc thì quay về báo với Đức vua và Trần Quốc Tuấn những tin tức về đàn voi ở phía trước.

Vua vẫn sóng ngựa đi bên Hưng Đạo Vương. Trần Tung hôm nay ở nhà. Tối qua trong một buổi đàm đạo về thơ thiền thời Viên Chiếu đại sư, Trần Hưng Đạo ngỏ ý mời Trần Tung đi săn cùng. Tung nói:

  • Ta là thiền sư ở An Hưng, có lẽ nào lại đi xem một buổi sãn voi. Nếu ở đầu nguồn, có một am nhỏ của một vị cao tăng, đỉnh non nào có một hang sâu, trụ trì một ngôi chùa lại mời ta có lẽ đúng hơn.

Hưng Đạo Vương cố nài thêm, vì Đức vua rất muốn có Trần Tung bên cạnh để hỏi thêm những nghĩa lý sách vở và chuyện đời. Chỉ có hai anh em, Vương khuyên Tung nên đi, Tung chưa kịp nói thì Vua vào. Trần Nhân Tông đang vui liền hỏi:

  • Hai vị đang có gì bàn riêng mà khôhg cho quan gia biết thế?

Hưng Đạo Vương muốn mượn thế Vua để kéo Trần Tung đi săn.

Có lúc, Vương thích đi cùng Tung để được lây tính phóng khoáng của ông. Vua chưa kịp nói gì thì Tung đã trả lời rất điềm nhiêm:

  • Vua có ý thích của Vua, sư có ý thích của sư, ép nhau mà làm gì! Ta vừa mượn được Yên Tử một pho kinh Phật, mới từ Trung Hoa đưa sang, muốn kê gối ngồi đọc xem bên ấy họ chép kinh và hiểu kinh như thế nào?

Nói rồi bưng chén trà lên không nói đến chuyện săn voi nữa. Đám săn voi vẫn hú ran rừng. Chợt có đám khói bốc lên từ phía bờ sông. Các tiếng hú vội im bặt. Một hồi chiêng của người chỉ huy đánh lên tức thì hàng trăm tiếng chiêng đồng, tiếng trống cùng một lúc vang theo chói chang, kinh hãi. Tiếng nọ hòa vào tiếng kia, khép lại, thành một vòng cưng chang chói, thứ tiếng gợi tai họa của một thế lực khó hiểu đang tiến tới bầy voi hoang dã và hiền lành. Những con thú luôn luôn chập chờn sống trên vuông đất, mà những cuộc săn lùng từ con thú nhỏ, đến con thú lớn chốc chốc lại xảy ra. Con voi đầu đàn khôn ngoan, hiểu tất cả, nhớ tất cả những đàn hươu, đàn nai trâu, nai sao có những vó guốc chạy thục mạng, mỗi con như một tia chớp. Mấy con tê giác nặng nề, hồn nhiên, bốn chân có thể băng qua hàng trăm dặm không mỏi, khi bị những tiếng chiêng, tiếng trống vây hãm cũng co giò chạy. Cái thứ tiếng âm i, âm u, đều đều, sấm không ra sấm, tiếng người không ra tiếng người, tiếng vật càng không phải. Đó là thứ tiếng báo hiệu một loại tai hoạ cho loài vật, thứ tiếng cho chúng .biết là chúng đang bị những vòng vây của những tay thiện xạ, vai khoác nỏ cứng, tay cầm giáo khỏe, những tay săn nhảy thoăn thoắt trên đá như vượn khỉ, có thể thoát khỏi sự vồ chụp nhanh nhẹn của hổ, có thể tắt rừng để ngăn bước tiến của đàn hươu. Thứ túi hiệu ấy, đang khép cứng một bầy đàn để dẫn chúng đến cảnh đâm chém, phanh thây, mổ thịt, hoặc dẫn đến những cạm bẫy, kết thúc những ngày sống trong những rừng núi thâm nghiêm.                            I

Con voi đầu đàn ngùng ăn, chậm rãi đứng ra đầu mỏm sông để nghe cho rõ thứ tiếng có phải đích thị mình sắp bị hại chăng? Tiếng náo động của hiệu lệnh đồng càng mạnh mẽ, chang chói. Những tiếng hùa, tiếng hú, dồn đuổi càng gay cấn, càng gắt gỏng, những tiếng đe doạ, khắc khoải, dồn nén, khiến vũng vàng như hổ cũng phải tháo chạy, lì lợm như gấu cũng phải tụt xuống lòng hang. Đám khỉ chạy ào qua như một cơn gió, đàn nai chạy tan tác làm xẹp xuống những bãi sim mua dày kín ở bìa rừng…

Tiếng chiêng, tiếng trống dồn từ trong những bụi cây rậm ùa ra. Những hàng người tóc búi gọn sau lưng, trên trán buộc một dải vải đen, mình đóng khố, da nâu nhẫy, đang chĩa những mũi lao tiến về chúng… Con voi đầu đàn, hực lên một tiếng và quay đầu trở lại dẫn đầu hơn cả chục con voi cứ thế mà chạy. Nhưng không kịp nữa… Phía sau nó, có một đàn voi chừng bốn năm con, mình phủ những vệt vải vằn vèo, ngồi trên có những người thợ săn, kẻ cầm búa, kẻ cầm lao, cầm chiêng, hiện ra, đuổi gấp gáp lũ voi…

Đức vua cùng Trần Hưng Đạo đã tách khỏi đoàn săn, tiến nhanh về một đỉnh đồi cao, quan sát đoàn săn voi đang háo hức lập công, bắt những con voi mới, để bổ sung sau này cho đoàn quân voi quan trọng ở trang Vạn Kiếp. Trên đỉnh đồi, các gia tướng đã thúc ngựa lên trước, đứng dàn trước để hộ vệ. Những gia nô mang lọng, mang quạt đã sẵn sàng chờ. Vua và Trần Quốc Tuấn xuống ngựa đi đến đỉnh đồi thì dừng lại, ghì cương, mắt dõi theo. Tiếng chân, tiếng trống đồng, lùa đàn voi chạy theo một đường rừng định sẵn. Đàn voi đã chạy ùa đến một thung lũng đi theo con đường độc đạo đến một ngọn đèo, mà sang phía bên kia, con voi đầu đàn chắc chắn sẽ dẫn đàn voi đông đúc của nó thoát khỏi một cuộc bủa vây.

Con voi đầu đàn chạy dần nhanh lên… Những con voi con chạy luồn vào bụng những con voi mẹ. Những con voi mẹ lúc đầu tỏ ra lúng túng, quay lại chờ đám voi con… Những con cao bằng đầu người trở lên còn theo được đàn; những con bé hơn, rõ ràng ngây thơ bỡ ngỡ và tụt lại phía sau… Chỉ chờ có thế, đội quân voi tham gia cuộc săn đã được các quản tượng giáng cho những búa mạnh và lưng, dướn lên. Chúng bắt kịp những con voi con và chen vào khoảng cách giữa đàn voi lớn… Những con voi mẹ của ba con voi con ngoảnh lại chờ đàn con. Những thợ săn gan dạ đã xông lên… Trong ba con voi mẹ thì hai con, bỏ con để theo kịp đàn và một con voi mẹ có con voi nhỏ nhất, quá thương con quay lại…

Những tiếng cổng thúc đuổi, tiếng hú, tiếng hò lại nhất loạt vươn lên… Ba con voi trận khoẻ mạnh rướn cong vòi, vùng lên phía trước, vây chặn không cho ba con voi con và con voi cái có thể đuổi theo đàn… Rồi mấy con voi sau cùng tiến lên, dàn hàng, khiến con voi mẹ và đám voi con lúng túng không biết chạy lỏi nào cho thoát. Dàn vây người cứ hò hét phía ngoài. Đám voi lừng đã chạy xa, xa lắm… Mấy con voi trận của trang Vạn Kiếp cứ dùng dinh, như đùa chơi, như dự dỗ đàn voi rừng lỡ bước. Con voi cái cứ quấn quýt bên con voi con đẻ của mình. Hai con voi nhỏ kia lại quấn quýt bên hai mẹ con con voi nọ. Cả đoàn voi nhà, voi rừng, lấy vòi đập lên lưng, rờ lên tai làm quen với nhau. Tiếng hò vây im bặt. Tiếng cồng chiêng đuổi tắt lịm. Chỉ thấy một vài vành đai người dồn lại, khép chặt cứng như một vách núi ngăn chặn phía sau… Giờ thì con voi trận đầu đàn, tung vòi tiến lên, con voi mẹ và ba con voi con đi giữa. Đám voi nhà dẫn dụ đám voi rừng về trang Vạn Kiếp… Các gia tướng, gia nô, mặt mày hớn hở. Từng mảng vòng vây vỡ ra, ập lại những vuông người, mỗi vuông có một tướng cưỡi ngựa dẫn đầu, đi theo đàn voi săn chiến thắng trở về… Tiếng chiêng dẫn đường, dịu dàng thanh thoát ngân nga. Lại có tiếng nhạc vui cất lên từ đỉnh đồi, nơi Vua và Hưng Đạo Vương xem cuộc săn từ đầu đến cuối.

Vua nói:

  • Cuộc săn thật tuyệt. Vương có đạo quân săn giỏi lắm.

Hưng Đạo Vương thưa:

  • Đó chỉ là một đạo quân dừng cho một cuộc chơi thôi. Vào trận, còn nhiều việc phải làm lắm. Dám xin Đức vua, nán lại ít ngày để thần kính mong được Ngài ngự ngồi coi xem thần điều khiển quân thưỷ bộ.

Hưng Đạo Vương gọi Phạm Ngũ Lão và Dã Tượng lên, bảo thuần phục nhanh những con voi vừa bắt được. Hai con voi nhỏ sẽ cho người dẫn lên kinh thành dâng Vua, hai mẹ con con voi thì để lại trang Vạn Kiếp. Hai tướng thưa qua về việc nuôi dạy voi rồi lui ra…

 

 

 

 

Đọc Thật Chậm

chữ đức đẹp

Chữ Đức và những ý nghĩa trong từng nét bút

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về hình ảnh những ông đồ già, người xin …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *