Tên thường gọi là đền Voi Phục do cửa đền có đắp 2 con voi quỳ ngay ở cổng đi vào. Đền còn có tên là đền Thủ Lệ do được xây dựng trên đất làng Thủ Lệ, phía tây kinh thành Thăng Long cũ, nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền còn có tên là đền Linh Lang do thờ thần Linh Lang đại vương). Đền là một trong “Thăng Long tứ trấn”, được dựng năm Chương Thánh Gia Khánh 7 (1065) đời Lý Thánh Tông, thờ con trai thứ 4 của vua Lý Thánh Tông.
1. Đền Voi Phục ở đâu
Tương truyền bà hoàng phi họ Nguyễn người làng Bồng Lai (Đan Phượng) đang tắm ở Đầm Đàm (Hồ Tây), bỗng có rồng hiện ra, phun nước thơm vào mình, về nhà có mang 14 tháng và sinh ra Linh Lang. Vua Lý Thánh Tông cho bà đưa hoàng tử về nuôi tại chỗ ở cũ của bà là trại Thủ Lệ.
Linh Lang lớn lên, tướng mạo khôi ngô, trên người có tướng lạ, có 28 vết vảy rồng và 7 hàng chấm sáng long lanh như ngọc trên ngực. Lúc bấy giờ quân Tống do Triệu Tiết chỉ huy đem quân sang xâm chiếm nước ta. Vua sai sứ đi chiêu mộ người tài giỏi ra đánh giặc. Linh Lang tâu xin vua ban cho một lá cờ và một thớt voi, chàng hét lên một tiếng, tức thì hai con voi phục xuống, Linh Lang cầm cờ, cưỡi voi xông ra trận, đánh cho quân giặc thua tan tác. Sau khi thắng trận, Linh Lang trở về trại Thủ Lệ, được ít lâu thì mắc bệnh nặng. Vua nghe tin tới thăm hỏi. Linh Lang tâu rằng mình không phải là người trần, nay đến hạn phải ra đi. Nói rồi chàng hóa thành con giao long dài trăm trượng trườn xuống Dâm Đàm và biến mất. Sau đó trời mưa liền mấy ngày, khi trời tạnh, từ trên trời rơi xuống nhiều cờ đỏ cắm trước cửa Ngọ Môn. Vua bèn phong tước cho Linh Lang là đại vương và sai sửa lại nơi ở cũ làm đền thờ Linh Lang đại vương.
2. Sự tích khác về Đền Voi Phục
Cũng có sách cũ (Tang thương ngẫu lục) chép Linh Lang là con một người con gái ở bên Hồ, vua đem lòng yêu mến nên đã sinh ra. Đến năm lên 8 tuổi mới được đưa vào trong cung, cho dự vào hàng cuối trong các hoàng tử. ít lâu sau Linh Lang lên đậu, mỗi hạt đậu to như hạt ngô, liền xít không hở chỗ nào, ba tháng trời vẫn không khỏi. Vua đến thăm, thở dài thương hại, Linh Lang tâu với vua rằng: “Con bị đầy xuống trần có kì, xin vua cha không nên buồn phiền, con sắp sửa đi đây, vua cha có lòng thương con xin lập cho một đền thờ ở chỗ con ra đi… nói rồi Linh lang hóa thành một con thuồng luồng trườn xuống hồ mất. Vua phong là thượng đảng thần và sai lập đền thờ.
Đền được khởi dựng từ thời Lý Thánh Tông, đã qua nhiều lần trùng tu. Trong trận cầu Giấy lần thứ nhất, ngày 21.12.1873 nghĩa quân ta đã phục kích ở cổng đền này, diệt gọn một toán quân Pháp, trong đó có tên chỉ huy là Balny. Cùng ngày, ở đường Giảng Võ, chủ tướng của chúng là Francis Garnier cũng đả phải đền tội. Tại ngôi đền này, Tôn Thất Thuyết cùng Lưu Vĩnh Phúc đã đóng quân, phục kích đánh tan một toán quân Pháp và giết chết 2 tên quan 5 giặc là Villers và Henri Rivière vào ngày 18.5.1882. Năm 1947 giặc Pháp mở rộng chiến tranh, đánh lên Sơn Tây, đã đốt trụi đền Voi Phục. Đến năm 1953, dân đã quyên góp tiền và xây dựng lại đền, song cũng chưa dựng lại được như cũ. Từ năm 1954 đến nay cũng đã có nhiều đợt tu sửa nhỏ.
Trong đền có 2 pho tượng đồng và hòn đá to có vết lõm, tương truyền là nơi Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hóa thành con giao long và trườn xuống hồ. Ngoài cổng có đắp hình hai con voi quỳ. Đầu năm 1994 nhân dân Thủ Lệ đã quyên góp đúc lại quả chuông chiều cao 93cm, đường kính miệng 70cm, thân chia 4 múi, mỗi múi có hai hàng chữ Hán đúc nổi. Bốn chữ Hán dòng trên là “Tây trấn thượng đẳng”. Đền có 4 đôi câu đối. Câu đối treo ở nhà đại bái viết:
“Mộc biểu chi sơ nhất chính dực tán trung hưng thành
Đông A di hậu vạn cổ bao phong thượng đẳng thần”.
Tạm dịch là:
Thời Lý buổi đầu một lần đi dẹp giặc việc trung hưng được thần phù giúp. Thời Trần về sau muôn đời tôn phong danh hiệu thượng đẳng thần.Đường vào đền có nhiều cây cổ thụ, đền được xây cạnh hồ Thủ Lệ, có khuôn viên rộng rãi, cây cổi xanh tốt um tùm nên được coi là một cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội.
Hàng năm đền có lễ hội vào ngày lập xuân, trước đây quan coi việc đem trâu đất đến dưới đền làm lễ nghênh xuân. Sau lễ thần đến rước kiệu. Trai tráng đóng phu kiệu, cởi trần đóng khô bào, rước kiệu qua Núi Bờ gần đó. Khi qua núi phải bờ như đi đánh trận và phải luôn luôn giữ sao cho kiệu được thăng bằng. Đền Voi Phục đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử thắng cảnh ngày 28.4.1962.
Xem ngay: Đền Voi Phục Thụy Khuê- Đền thờ hoàng tử Linh Lang