Nhân dân ta gọi chung là Tháp Bà, để chỉ cả một cụm tháp lâu đời của người Chăm thờ bà Pô Inư Nưgar, rồi người Việt thờ Thiên Y Ana. Tháp Bà Ponagar hiện ở Nha Trang, trên ngọn đồi sát biển thuộc dãy núi Cù Lao, phía trước mặt là đường quốc lộ 1A. Bên kia đường là xóm Bóng thuộc làng Cù Lao và biển Nha Trang.
Tìm hiểu về Tháp Bà Ponagar Nha Trang
Sự tích của Bà là cả truyền thuyết Chiêm Việt. Việc thờ phụng Bà rất được tôn trọng trong nhân dân miền Nam. Lễ hội ở Tháp Bà Ponagar rất thịnh hành và rầm rộ.
Muốn biết về nữ thần được thờ ở Tháp Bà Ponagar, phải tìm đến kho tàng Văn hóa dân gian cả Chăm và cả Việt. Bà con Chăm kể chuyện bà Pô Inư Nưgar như sau:
Hồi chưa có muốn vật trên cõi trần gian này thì đã có bà Pô Inư Nưgar là người Mẹ tối cao của đất nước và dân tộc Chăm. Người Chăm cho rằng vũ trụ từ xa xưa phải trải qua những thời kỳ khác nhau. Mỗi thời kỳ đều có sự bắt đầu (lúc sáng thế) và có sự kết thúc (lúc tận thế). Thần Mẹ Pô Inư Nưgar là vị thần sáng thế đầu tiên. Mẹ là tạo hóa sinh ra đất đai, sinh con đẻ cái. Mẹ sinh ra lúa gạo, sinh ra gỗ trầm hương. Mẹ cũng sinh ra hoa Chămpa là biểu tượng của dân tộc Chăm.
Xem ngay: Sự tích Đền Vua Đinh Vua Lê ở Ninh Bình
Mẹ là vị thần có hình dạng, kích thước to lớn. Vú của mẹ to và dài, để có sữa cho tất cả mọi sinh vật trên thế gian. Mẹ có 79 ông chồng và sinh ra 38 cô con gái đều là thần cả. Những cô con gái này nhiều cô là những nữ thần có phép lạ. Kể qua một vài nữ thần như:
Bà Chà: Nữ thần có phép làm cho người chết đi sống lại. Bằ Chà ít tuổi, nhưng lại có tính khí bất thường nên bị Trời đày lên cung trăng. Khi thần Mặt Trời đi qua, bà Chà phải cúi chào. Vì vậy mà sinh ra nguyệt thực.
Bà Pô Dang Đà Rì là nữ thần của các hang động.
Bà Pô Nưga Găhợ Lâu là nữ thần của rừng, núi.
Bà Pô Bơchà Ti Khú là nữ thần của các loài chuột.
Nữ thần Nai Neh: Là cô con gái út của Mẹ Pô Inư Nưgar. Cô sống rất phóng túng, đã không chịu theo lệnh của mẹ bắt cưới chồng mà còn bở nhà ra đi, đeo đuổi mối tình lãng mạn với một chàng trai cô đã hẹn hò bí mật v.v…
Mẹ Lớn Pô Inư Nưgar là người đã sinh ra đất đai, làng xóm. Vì vậy các bản Chăm thường đặt tên, gắn thêm tên của mẹ. Dân tộc Chăm thờ mẹ xứ sở ở các vùng theo danh hiệu ấy. Ví dụ:
- ở Hữu Đức (Phan Rang) thồ Pô Inư Nưga Hamu Aram (mẹ xứ Rừng).
- ở Bình Thuận thờ Pô Inư Nưga Hamu Cavat (mẹ xứ Chim).
- ở Bà Rịa thờ Pô Inư Nưga Hamu Chanok (mẹ xứ Chài)
- ở Nha Trang thờ Pô Inư Nưga Ya Than (mẹ xứ Lan).
Người Chăm tin rằng mẹ Lổn Inư Nưga ngày nay vẫn tồn tại trong cõi u huyền và sẵn sàng đến với dân chúng. Trong các cuộc lễ tại gia đình, hội hè xứ sở, người ta mời bà Bóng đến. Bà Bóng là một loại pháp sư, được gọi là Pachao, có thể giao cảm với Mẹ Lớn để truyền đạt những lời Inư Nưga muốn dạy dỗ dân làng.
Khi vùng đất này trở thành vùng đất Việt Nam, Chăm và Việt hòa hợp thành một cộng đồng thì chuyện Pô Yang Inư Nưga trở thành chuyện Thiên Y Ana Thánh mẫu. Câu chuyện được Phan Thanh Giản kể trong tấm bia dựng ở Tháp Bà Ponagar như sau:
Có hai vợ chồng ông lão không con ở trong một căn nhà bên núi, trồng dưa trên núi Đại Điền, khi dưa chín có người bẻ trộm, ông để ý xem thì thấy một bé gái hơn 10 tuổi cầm trái dưa chơi dưới ánh trăng. Ông bà mới đến tận nơi, hỏi hết ngọn nguồn. Vì thương nàng ít tuổi mà sớm mất người thân nên mang về nuôi nấng, yêu quý như con đẻ vậy. Một hôm mưa rừng ngập lụt, nàng chợt nhớ cảnh bồng lai, lấy hoa lựa lá, đắp hình mấy ngọn giả sơn chơi. Ông già trông thấy giận lắm mắng nàng. Trong lúc nàng còn bùi ngùi tấc dạ, thì có một mảnh gỗ kỳ nam ở đâu trôi lại, nàng liền ẩn thân vào đó và mặc cho sóng bể đưa đi.
Mảnh gỗ trôi đến Bắc Hải, người ở đó thấy lạ định vớt lên nhưng nặng quá, không thể khiêng đi được. Hoàng Thái tử nước ấy tuổi mới độ đôi mươi đang kén chọn vợ hiền, nhưng người trong nước không ai lọt mắt xanh nên có ý không vui lòng, đang hy vọng tìm ra người đẹp.
Nghe tin về mảnh gỗ lạ, chàng mừng rõ truyền xa giá ra bờ biển, tự mình xuống vớt thì mảnh gỗ theo tay lên ngay. Chàng bèn đem về, để bày trong điện và thường vỗ về mảnh gỗ. Thế rồi dưới ánh trăng và trong làn hương thơm ngào ngạt, thường có một người hiện ra, hoàng tử rình bắt gặp nhiều lần nhưng hễ đến gần lại biến mất. Một đêm chàng thình lình bắt gặp thì thấy một người đẹp, nàng hốt hoảng chực chạy. Chàng liền hỏi nguyên do và giữ lại không cho đi nữa. Chàng vừa sợ vừa mừng đem chuyện ấy tâu với vua cha. Vua cho đó là ma quỷ hiện hình, nên truyền cho bói một quẻ, thì quẻ tốt nên cho lấy nhau. ít lâu sau, hai người sinh được một con trai đặt tên là Trí và một con gái đặt tên là Quý.
Tình vợ chồng đang đằm thắm thì một ngày kia, nàng nhớ đến quê hương, liền cùng với hai con nhập vào cây gỗ kỳ nam theo đường biển về Nam. Đến chỗ Cù Lao Huân, tìm thấy núi xưa cảnh cũ thì ông bà già đã qua đời.
Nàng liền khai khẩn ruộng vườn, xây đền thờ cha mẹ nuôi và thấy dân miền đó ngu si, không biết lo sinh kế, tránh hoạn nạn, nàng liền dạy mọi người phép tắc nghề nghiệp nuôi nhau.
Một hôm, Bà để lại một pho tượng trên núi, rồi giữa ban ngày, Bà theo chim Loan bay lên cõi tiên. Thái tử nơi biển Bắc thấy Bà đi, liền cho thuyền đi tìm. Vì kẻ thủy thủ không biết oai Bà, không tôn kính thần tượng, nên bỗng gió to bão lớn nổi lên lật đắm thuyền. Sau đó, ở nơi cửa biển nổi lên một phiến đá có khắc chữ theo lối cổ không thể hiểu được.
Từ đó, Bà hiển linh, thường qua lại nơi non Yên, đỉnh Cù cứu nhân độ thế. Ai cầu gì ứng nấy, dân chúng gần xa nhất nhất tôn thờ. Trên ngọn Cù Lao xây một tháp nhỏ thờ Thái tử, sau tháp lập một ngôi miếu nhỏ thờ hai người con Bà. Có cả tháp thờ hai ông bà già. Trước tháp cũng có một bia khắc chữ giống như chữ ở hòn đá ngoài cửa biển.
Cụm tháp Bà hiện còn 4 tháp, mỗi tháp có quy mô, có kiểu dáng khác nhau, và có tên gọi như sau:
- Tháp chính thờ bà Thiên Y Ana Thánh mẫu và là tên gọi chung cho cụm tháp này là Tháp Bà.
- Tháp Nam thờ Thái tử Bắc Hải chồng bà Thiên Y Ana.
- Tháp Đông Nam thờ ông Tiều và bà Tiều, nghĩa phụ bà Thiên Y Ana.
- Tháp Tây Bắc thờ công chúa Quý và hoàng tử.
Cụm tháp này xưa nay người dân Nha Trang – Khánh Hòa quen gọi là Tháp Bà Ponagar, đặc biệt là các nhà nghiên cứu thì thường viết và đọc rất khác nhau. Khi thì đọc theo tiếng Pháp là Poh Nagar hoặc tiếng Chăm là Pô Yan Ino Nagar v.v…
Nói chung về niên đại Tháp Bà, các nhà nghiên cứu khảo cổ học chưa xác định chắc chắn. Họ chỉ căn cứ vào văn bia, vào kiểu dáng kiến trúc, vào hoa văn, vào tượng đá của khu đền tháp mà khẳng định rằng di tích này được xây dựng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XI.
Có thể điểm qua các tháp để nhận được nét kiến trúc và đặc điểm của quần thể Tháp Bà. Bao gồm:
- Tháp Chính (tháp Pô Nagar hay Tháp Bà).
Là một trong những công trình có quy mô lớn nhất của nghệ thuật Chăm nói chung và của giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách Mĩ Sơn Al (thế kỷ X) và phong cách Bình Đinh (thế kỷ XII XIII).
Tháp cao 22m8, tường dày 1,9m, xây bằng gạch nung cỡ 30cm X 17cm X 50cm. Tháp gồm 3 phần: đế, thân và mái. Thân tháp vuông cạnh 9,5m, tường dày 1,9m, lòng tháp rộng mỗi bề 6m, cao 10,8m. Mỗi mặt tường của thân tháp được trang trí những đường gờ, rãnh hình chữ nhật thon thả chạy xung quanh 5 cột chính, đứng song song với nhau, trông khỏe, trang nhã. Ở chính giữa mỗi mặt tháp là các cửa giả. Cửa giả là một hình khối, toàn bộ hệ thống nhô ra khri thân tháp, có hình một ngọn giáo Lớn dựng đứng ở phía trên.
Mặt chính diện của thân tháp được ghép nối tiếp một ngọn tháp nhỏ hơn có thân hình chữ nhật, kiểu dáng trang trí bên ngoài thân và đỉnh giống tháp chính, nhưng mái chỉ có 2 tầng. Tường phía Nam và Bắc cũng có 2 cửa giả nhô ra. Lòng tháp nhỏ dùng làm lối đi dài 6,5m dẫn từ ngoài vào bên trong điện thờ tháp chính, người ta thường gọi là tiền sảnh. Cửa vào tiền sảnh làm bằng 2 cột đá sa thạch hình chữ nhật khắc chằng chịt bia ký. Trên vòm cuốn cửa là tấm phù điêu bằng đá hình lá đề thể hiện nữ thần Uma 4 tay đang múa giữa hai nhạc công. Theo bia ký của tháp, phù điêu này làm vào năm 1065 khi vua Rudrarman cho tu sửa phần cửa.
– Mái tháp hình chóp, có 3 tầng trang trí giống nhau, nhỏ dần về đỉnh tháp. Tại 4 góc mái của mỗi tầng là một ngọn tháp nhỏ xinh xắn. Bốn mặt mỗi tầng mái xây giống như các mặt ở thân, cũng có cửa giả. Hai bên vòm cuốn của cửa giả là tượng các con vật bằng đá, đó là vật cưỡi của các vị thần trong Ấn Độ giáo: chim thần (Garuda), bò thần (Nadin), ngỗng thần (Hamsa)… có tượng vũ nữ thiên thần Apsara cầm đóa sen chắp tay trước ngực.
Bên trong tháp, ở chính giữa là tượng bà Pô Nagar bằng đá ngự trên bệ hình đài sen 2 lớp cánh. Phía sau tường là tấm tựa lưng hình lá đề chạm khắc tinh vi cả hai mặt. Nữ thần có 10 tay, hai tay chính đặt trên đầu gối, bàn tay phải mở ra để ngửa trong tư thế ban phát. Bàn tay trái cũng mở ra, dựng đứng ngửa về phía trước, trong tư thế trấn an, bốn đôi tay còn lại mỗi tay cầm một vật khác nhau, hướng lên cao theo hình rẻ quạt rất sinh động. Bốn tay bên phải cầm đoản kiếm, mũi tên, quả chùy, mũi lao. Bốn tay bên trái cầm chuông nhỏ, tù và, lưỡi giáo, cung. Những linh vật này tượng trưng cho sức mạnh quyền uy, vô biên của nữ thần.
Trên đôi tay chính có đeo vòng ở cổ tay và cánh tay. cổ nữ thần đeo 3 chuỗi ngọc. Toàn bộ những linh vật và đồ trang sức của nữ thần được chạm khắc tinh vi, đẹp. Nữ thần mặc xà rông (váy) còn toàn bộ phần cơ thể để trần. Đầu tượng đá bị mất không rõ vào thời kỳ nào, đầu hiện nay là đầu mới làm sau này.
Tấm tựa hình lá đề, cao hơn đầu tượng phía trước tạc hình đầu Kala và hai đầu thủy quái Macara. Mặt sau tấm tựa chạm khắc hình hoa lá cánh điệu rất cân đối và sắc sảo. Tượng cao 1,2m được đặt trên một bệ đá hình Yoni, mỗi cạnh 1,5m có rãnh nhở quay về hướng Bắc. Khi làm lễ tắm tượng, nước vào các rãnh nhở chảy xuống chân bệ theo một đường thoát nước bằng đá xuyên qua tường tháp ra ngoài. Toàn bộ khôi vừa chắc khỏe, vừa uyển chuyển, thanh thoát, vừa trang nghiêm huyền bí.
Thống qua bia ký, sau mỗi lần bị chiến tranh tàn phá, tượng nữ thần được thay đổi nhiều lần và bằng nhiều chất liệu khác nhau. ‘Pho tượng hiện nay có thể do vua Jaya Paramesvararman tạo dựng vào năm 1050.
Hai bên tượng nữ thần có 2 voi thần bằng gỗ đứng chầu hai bên. Trên trán cửa tháp có phù điêu thể hiện nữ thần Mohisamardini bốn tay đứng trên lưng một con trâu con, tay chính để trước ngực bắt ấn, tay còn lại cầm các linh vật: tầm sét, bông sen và chùy. Tác phẩm điêu khắc này lại có niên đại muộn – giữa thế kỷ XI.
Hiện nay tượng nữ thần Pô Nagar được mặc xiêm y, áo mã và trở thành bà Thiên Y Ana Thánh mẫu của người Việt. Hai góc điện thờ, phía bên trái Bà là ban thờ Thái tử Trí, nhì.n về hướng Nam, bên phải Bà là bàn thờ công chúa Quý nhìn về hướng Bắc. Phía sau Bà là một tủ kính treo áo mão, xiêm y và vật trang sức của Bà. Đó là những lễ vật quý báu của khách thập phương dâng cúng để biểu thị lòng sùng tín và biết ơn đối với Bà.
– Tháp Nam:
Tháp Nam đứng giữa tháp Chính và tháp Đông Nam, tháp cao 18m gồm 2 tầng: thân và mái. Thân hình vuông, riêng hướng Đông được kéo dài ra để làm tiền sảnh. Mái tiền sảnh nhìn thân thuyền lật úp. Phía Tây liền với thân và mái của tháp. Đầu hồi phía Đông đặt trên mi cửa ra vào, có hình lá đề, được trang trí bằng 5 lớp lá đề, từ nhở đến lớn, chồng khít vào nhau. Gạch xây lá đề ngoài cùng đã bị lõm sâu vào, có thể trước kia là tấm phù điêu bằng đá bị đánh cắp?
Ba mặt thân tường có 3 cửa giá, trang trí vòm cuốn, hình lá đề nhô ra ngoài, gồm 5 lớp sát lên nhau từ nhỏ đến lớn. Cùng kiểu với đầu hồi nơi tiền sảnh. Trong lòng các lớp cửa giải không có phù điêu trang trí. Thân tháp có 4 trụ ốp tường, tạo ra những gò rãnh thẳng đứng trống thanh thoát và nhẹ nhàng. Chân tường tháp trang trí những đóa sen cách điệu xây theo bậc tam cấp, tạo được đường nét, hình khối cân xứng giữa chân và mái.
Mái của tháp Nam khác hẳn với 3 tháp còn lại ở đây, không có vật trang trí, dù nhỏ hoặc lớn ở trên mái. Mỗi mái được tạo dáng khum khum dần lên đỉnh nhọn. Trên đỉnh gắn một khối đá trụ hình Linga. Toàn bộ mái tháp giống như một củ hành tây vĩ đại có 4 tép đều nhau đặt lên thân tháp.
Đặc biệt ở tháp Nam là hai khối đá lăng trụ hai bên cửa, đều khắc chạm hình cánh sen nhọn đối xứng, nhưng một trụ có bia ký còn trụ kia thì không và làm bằng hai loại đá khác nhau. Trụ bên trái đen láng đẹp, trụ bên phải gọt đẽo sơ sài, thô nhám máu xám tro. Khối đá gác ngang trên trán cửa giống loại đá ở cột trái, màu đen và có ghi tạc minh văn. Nhìn vào cửa chúng ta thấy rất khó chịu vì sự không đồng bộ giữa hai trụ cột này.
Tượng thờ tháp này là bộ Linga – Yoni (bộ sinh thực khí của nam và âm vật khí của nữ) bằng đá. Linga được trang trí quanh chân một vòng hình cánh sen cách điệu. Nơi đây người Việt thờ Thái tử Bắc Hải, chồng bà Thiên Y Ana.
– Tháp Đông Nam:
Ngôi tháp nhỏ nhất của khu di tích này, đứng ở vị trí thứ ba, hàng đầu, bên cạnh tháp Nam. Tháp xây đơn giản, cao 5,7m, thân hình chữ nhật, gồm 3 mặt tường xung quanh và tiền sảnh quay về hướng Đông. Xuang quanh tháp và mái không có trang trí cột ốp, cửa giả và các con vật thiêng bằng đá. Mái xây hình yên ngựa, theo hướng Đông Nam. Hai bên đầu hồi hình lá đề. Toàn bộ ngôi tháp nhìn từ xa vào giống ngôi nhà có mái hình thuyền. Tháp đã bị xói mòn rất nặng, có nguy cơ sụp đổ không lâu nữa. Tháp là nơi người Việt thờ ông bà Tiều, cha mẹ nuôi bà Thiên Y Ana.
– Tháp Tây Bắc:
Tháp Tây Bắc nằm sau lưng tháp Chính có quy mô nhỏ hơn tháp Nam và cao 9,lm. Đây là công trình tương đối còn nguyên vẹn so với 3 tháp thuộc khu di tích này. Tháp có 2 tầng: thân và mái.
Thân hình vuông có cạnh 3,8m, mặt hướng Đông kéo dài ra lạm tiền sảnh, nhưng không dài như các tháp khác. Trên cửa tiền sảnh được trang trí 5 hình lá đề chồng khít lên nhau từ nhỏ đến lớn dần, đơn giản nhưng không mềm mại. Mi cửa là một thanh đá bắt ngang qua đỡ vòm cửa hình lá đề. Đây là thanh đá duy nhất được sử dụng trong toàn bộ công trình của tháp này. Ba mặt tường thân tháp còn lại vẫn trang trí mỗi mặt 4 cột Ốp tường và chính giữa cũng có cửa giả, vòm cửa hình ngọn giáo. Nhưng cửa giả không nhô ra ngoài như cửa giả tháp Chính. Chính giữa cửa giả là phù điêu khắc trên gạch sinh động. Tường mặt Bắc là hình một con sư tử, mắt lồi, nhe hai hàm răng nhọn, hai chân trước co lại trong tư thế tấn công. Tường mặt Nam là hình chim thần Garuda đứng dưới tán lá nhọn. Tường mặt Tây hình một người đàn bà ngồi trên đầu voi, tay phải cầm giáo, tay trái cầm ngà voi.
Tầng mái hình thuyền chạy theo chiều Nam Bắc, nóc dài 3,73m và nhỏ dần về phía dưới, do vậy 2 mặt hồi hình lá đề có đỉnh nghiêng ra ngoài khoảng 10° so với mặt phẳng thẳng đứng. Hai mặt hồi đều có chạm khắc hình một vị thần dang ngồi dưới tán các đầu rắn Nagar. Trên bốn góc mái có đặt 4 nụ hoa còn búp bằng gạch rất lớn. Tại góc mái giáp cột ốp có gắn những tượng tiên nữ Apsara bằng đá và tượng kế tiếp bằng đất nung. Tượng thờ trong lòng tháp là bộ Linga – Yoni bằng đá.
Tháp là nơi người Việt thờ công chúa Quý và hoàng tử Trí con của bà Thiên Y Ana. Khu di tích Tháp Bà xưa kia có 6 tháp, nay chỉ còn 4 tháp, 2 tháp đã bị sụp đổ. Theo ảnh chụp năm 1908 và bản vẽ của Parmentier để lại, 2 tháp không còn nữa là tháp thứ 2 và 3 trên dãy tháp Tây Bắc.
Có thể bạn quan tâm: Lịch sử hình thành Đền Thờ Trương Định Quảng Ngãi