Vào mỗi dịp lễ tết đầu năm mới có tới hàng ngàn lượt khách thập phương thành tâm hướng về Đèn Nghè. Để thắp hương và tưởng nhớ những công lao to lớn của nữ anh hùng Lê Chân cũng như vãn cảnh đền
1. Đền Nghè ở đâu
Đền Nghè ở Hải Phòng, nằm trên phố Lê Chân, thuộc tiểu khu Mê Linh của thành phố. Đền thờ bà Lê Chân, một vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng, người có công lập nên làng An Biên, tức là quận Lê Chân ở Hải Phòng ngày nay.
2. Truyền thuyết Đền Nghè
Truyền thuyết kể rằng, bà Lê Chân quê ở làng An Biên, huyện Đông Triều nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. Cha là ông Lê Đạo làm nghề dạy học và bốc thuốc. Do tài đức của mình mà ông được nhân dân khắp vùng kính phục. Mẹ là Trần Thị Châu, một người phụ nữ đảm đang phúc hậu, nổi tiếng về tài chăn tằm, dệt vải.
Bà Lê Chân sinh vào khoảng những năm hai mươi đầu công nguyên. Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than cực khổ dưới ách đô hộ của nhà Hán. Năm 20 tuổi, Lê Chân đã nổi tiếng là một cô gái đẹp và có tài mưu lược. Thái thú Giao Chỉ lúc ấy là Tô Định, được bọn tay sai mách bảo, đã tìm cách ép buộc bà làm tì thiếp. Song, bà đã cự tuyệt.
Không đạt được tham vọng, bọn Tô Định đã khép tội cha của Lê Chân và giết hại ông. Đồng thời chúng còn đem quân về làng bắt bà. Nợ nước, thù nhà đè nặng trên vai, bà thề không đội trời chung với giặc và từ biệt xóm làng ra đi.
Do nung nấu lòng căm thù đối với bọn xâm lược, nên một mặt bà Lê Chân xây dựng trang ấp, khai khẩn, trồng trọt, tích lũy lương thảo… mặt khác bà luôn luôn có ý thức chiêu mộ nghĩa quân, rèn tập võ nghệ, đúc vũ khí, liên kết với các hào kiệt quanh vùng như Lệnh Bá, Chính Trọng ở Quỳnh Cư (xã Hùng Vương); Trương Lại, Trương Tề, Trương Độ, người Thiềm Khê (Thủy Nguyên); ba chị em Tạ Huy Thâu, Tạ Ả Ráng, Tạ Đoan Dung (Tiên Minh, Tiên Lãng)… Cả vùng An Dương trở thành một khu căn cứ lớn của nghĩa quân.
Năm 40, được tin Hai Bà Trưng ở Mê Linh giương cờ khởi nghĩa, lập tức bà Lê Chân lãnh đạo nhân dân nổi dậy hưởng ứng. Dưới sự chỉ huy của bà, nhân dân địa phương đã vùng lên quét sạch bọn đô hộ nhà Hán.
Cả vùng ven biển Đông Nam được giải phóng. Sau đó, cùng với các vị tướng khác ở các nơi, bà hội quân dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Khởi nghĩa thành công, bà Lê Chân được Hai Bà Trưng tín nhiệm giao cho trọng trách “Chưởng quản binh quyền nội bộ”, đóng đại bản doanh ở Giao Chỉ. Sau đó, để đề phòng giặc quay lại, bà Lê Chân lại được cử về “trấn thủ hải tồn” (bảo vệ bờ biển).
Khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, Hai Bà tuẫn tiết, song cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn mãi sau đó. Bà Thánh Thiên và Bái Nan dựa vào thế núi rừng hiểm trở ở trung du và Việt Bắc mà đánh giặc. Còn bà Lê Chân đã tổ chức lấp suối, ngăn sông, chặn đánh thủy binh địch.
Lực tuy kém, song sức chiến đấu không kém bề hăng hái. Bà đã rút quân về vùng Lạc Sơn (thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kim Thanh, Hải Hưng ngày nay), xây dựng căn cứ tiếp tục chiến đấu. Nhưng, sau một trận đánh ác liệt, nghĩa quân tan võ, bà đã tuẫn tiết tại núi Dát Dâu.
Xem chi tiết: Tìm về ngôi Đền Tam Giang
Để nhớ ơn công đức của bà, dân làng An Biên bảo nhau dựng đền thờ bà. Đầu tiên chỗ đền ngày nay chỉ là một ngôi miếu nhỏ, lợp gianh, đơn sơ. Sau đó dân làng góp công của xây gạch và lợp ngói. Mãi đến năm 1919 mới xây dựng thành một ngôi đền lớn, bề thế như ngày nay và gọi là đền Nghè.
3. Lễ hội Đền Nghè
Cũng từ đó, để ghi nhớ công lao to lớn của bà, hàng năm dân làng An Biên vẫn mở hội tưởng niệm bà vào các dịp mùng 8 tháng hai âm lịch là ngày sinh, ngày 25 tháng chạp âm lịch là ngày mất và ngày 15 tháng tám âm lịch là ngày thắng lớn của nghĩa quân do bà chỉ huy. Hội vào dịp tháng hai vẫn còn giữ được cho đến tận ngày nay.
Xưa kia, cứ mỗi dịp xuân về là dân làng lại nhộn nhịp không khí hội hè. Ngay từ đầu năm, làng đã họp bàn việc hội hè đầu xuân để phân công chuẩn bị lễ vật dâng cúng, đồ tế khí, văn tế. Trước ngày hội, mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, tinh khiết. Đền Nghè được trang hoàng lộng lẫy, uy nghi, sạch sẽ, tạo vẻ tôn nghiêm thành kính đối với vị nữ anh hùng.
Sáng ngày 7 tháng hai âm lịch, làng bắt đầu vào đám. Mở đầu là cuộc rước long trọng long ngai, mũ, ấn… của bà từ đền về đình. Trước khi rước, chức dịch và bô lão trong làng phải làm lễ xin thánh cho phép dân làng mở hội và rước long ngai, mũ, ấn của Người về đình.
Đám rước rất uy nghi, náo nhiệt. Đi đầu là những người cầm cờ, phướn nhiều màu sắc. Tiếp đến là hiệu trống, hiệu chiêng và phường bát âm. Rồi đến kiệu bát cống và các kiệu khác rước long ngai, mũ, ấn cùng các đồ chấp kích khác. Người rước phải ăn mặc chỉnh tề, trang phục ngày hội, phải hết sức giữ gìn ý tứ, trang nghiêm.
Theo sau đám rước kiệu và chấp kích là các chức dịch và bô lão trong lang. Suốt dọc đường đi từ đền Nghè đến đình An Biên ở xóm Đông, dân làng đổ ra hai bên đường ùa theo đám rước tạo thành một cuộc diễu hành lớn với những sắc rực rỡ. Tiếng trống, tiếng chiêng xen lẫn tiếng người xem và hiệu lệnh của những người chỉ huy đám rước tạo nên một không khí tưng bừng, náo nhiệt.
Đọc chi tiết: Tổng hợp các Đình Đền thờ Chu Văn An
Đám rước về tới đình thì dừng lại. Long ngai, mũ, ấn cùng các đồ tế khí được đưa vào trong đình ngự ở đó trong ba ngày. Suốt ba ngày ấy, ngày nào cũng được tiến hành tế lễ hai lần. Lễ vật tế, ngoài hương hoa, xôi quả thông thường còn có thịt lợn làm sạch, bỏ lòng gan đem tế sông. Sau đó thịt được đem chia đều cho toàn dân.
Có nhà nghiên cứu cho rằng tục này có thể để nhớ tối truyền thuyết xa xưa thời bà Lê Chân còn sống, hàng năm cứ đến tháng Giêng làng mở hội, có đấu vật, trai gái kéo dào (kéo co), tung quả còn qua vòng tre và giết trâu tế thần (cả Sơn thần và ông cá Voi).
Khi trong đình tế lễ thì bên ngoài diễn ra rất nhiều các trò vui như đánh vật, đấu cờ, kéo co, chơi đu v.v… Buổi tối thường có hát chèo rất đông vui. Cứ như vậy hội kéo dài cho đến sáng ngày 10 tháng hai âm lịch.
Sáng ngày mồng 10 tháng hai cuộc rước lại được tiến hành ngược lại từ đình về đền. Đám rước lại đủ lệ bộ và nhộn nhịp như lần trước. Khi về tới đền, các đồ tế khí được đưa vào an vị tại đền. Sau đó bắt đầu cuộc tế nữ quan. Đó là cuộc tế mà trong đó mọi thủ tục và công việc đều do các bà, các cô đảm nhiệm. Từ chủ tế, bồi tế, đông xướng, tây xướng v.v… nhất nhất đều do phụ nữ đảm trách.
Phải chăng đấy là bóng dáng một thời oanh liệt của người anh hùng Lê Chân, khi một mình gây dựng nên toàn bộ cơ nghiệp ở vùng An Biên này và lãnh đạo nhân dân vùng lên dẹp ách đô hộ của nhà Đông Hán suốt khu vực ven biển phía Đông, hình ảnh quật cường của người phụ nữ Việt Nam, mà truyền thông được gìn giữ qua suốt các thời đại cho đến ngày nay.
Tại đền Nghè, trong suốt ngày 10 tháng hai, những cuộc vui vẫn được tiếp tục rất sôi nổi cho đến tận khuya hội mới kết thúc. Dân làng bước sang một năm mới với nhiều mong ước tốt lành hơn, mùa màng bội thu hơn những năm trước.
Có thể bạn quan tâm: Đền Đống nước và những câu chuyện ít ai biết