Đền Đống Nước thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Tương truyền xưa kia vùng đất thuộc đền có những cột nước từ dưới đất phun lên như một đống nước, vì vậy có tên là đền Đống Nước.
Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu về khu di tích Đền Cổ Loa
1. Sự tích Đền Đống Nước
Theo thuyết phong thủy, đất này nằm trên vòi con rồng nên mỗi khi trở trời nước lại phun lên, nên dân ở đây đã lập đền để thờ. Theo ngọc phả ghi chép thì nơi đây có một người con gái sinh ra khác thường là Ngọc Nương, khi nàng hóa, trời xám, mưa to, nước sông dâng (vào ngày 17 tháng 8). Từ đó đất này có nước dâng, các khách thương qua lại thấy linh thiêng, bèn lập miếu thờ Ngọc Nương công chúa.
Đến thời Trần Anh Tông, khi vua cầm quân đánh giặc Nguyên có dừng lại và đã mộng thấy người con gái nói là con gái Long Vương xin theo để ngầm giúp vua đánh giặc. Khi toàn thắng trở về vua cho sứ đến dụ dân ở trại Đông Nước tu sửa miếu thờ, phong thần hiệu là “Nữ Bạch Ngọc Hồ, thủy tinh lân tinh công chúa” để dân thờ cúng.
2. Kiến trúc ở Đền Đống Nước Hà Nội
Theo lời truyền lại, đền được lập từ lâu đời, song khảo sát kiến trúc còn lại thì ngôi đền được đại tu dưới thời Nguyễn. Kiến trúc còn lại chủ yếu là thời Nguyễn. Đến năm 1954 nhân dân ở đây góp tiền để tu tạo.
Đền Đống Nước nằm trên một khu đất bằng phẳng thuộc làng Ngọc Hà, bên phải là nhà máy bia Hà Nội, bên trái là đình Hữu Tiệp, đình Ngọc Hà, chùa Bát Mẫu. Phía sau đường Hoàng Hoa Thám là vùng Thụy Khuê sát Hồ Tây. Ở phía đông nam là đình Đại Yên, tây nam là đình Liễu Giai, có thể nói đây là vùng có nhiều di tích cổ của thủ đô. Xung quanh đền có nhiều cây cổ thụ. Đền được xây trên mảnh đất hẹp, ngoài cửa đền có hồ vuông rộng tới 3 sào. Đền gồm có tam quan, sân vườn, tả mạc hữu mạc, đền chính và hậu cung.
Tam quan có 2 trụ biểu to, cửa chính làm kiểu 2 tầng mái giả chồng diêm có góc uốn cong và 2 cửa 2 bên cũng làm mái giả chồng diêm nhưng thấp và nhỏ hơn. Tả mạc gồm 5 gian, làm nhà khách và hội họp. Hữu mạc (nơi thờ bà Chúa) là dãy nhà 3 gian với hai nếp tạo thành chữ nhị, kiểu vì kèo trôn cột hai lớp mái. Liền với tả hữu mạc có hai lầu thờ tứ phủ cô và tứ phủ cậu.
Đền chính gồm 3 nếp nhà tiền đường, trung đường nằm song song và hậu cung ở sau nối liền trung đường. Trong toà trung đường, bên phải có tượng Đức Ông, bên trái có tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, đặt trong khám. Ở chính giữa có bàn thờ ông Hoàng Bảy và ông Hoàng Mười.
Hậu cung nối với trung đường thờ tam toà thánh Mẫu, tượng đặt trong khám sơn son thếp vàng lồng kính. Tất cả nhà khám thờ, cửa võng, nhang án đều được chạm trổ tinh xảo.
Đền Đống Nước có một quy mô kiến trúc bề thế, từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa nhân dân địa phương và là nơi hội họp của làng. Đây cũng là một di tích bảo lưu tính chất văn hóa truyền thông giữa các làng trại của vùng nông nghiệp cổ phía tây kinh thành Thăng Long xưa, đang được bảo quản để nghiên cứu về lịch sử, nghệ thuật và làm chứng cho việc phát triển của thủ đô. Đền Đống Nước đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích nghệ thuật ngày 11.5.1993.
Đọc Thêm: Đền thờ Hai Bà Trưng– Đền Đồng Nhân