Chùa Xá Lợi vốn là ngôi chùa nổi tiếng và lâu đời tại Sài Gòn. Chùa được công nhận là di tích cấp thành phố của thành phố Hồ Chí Minh. Những ai thích khám phá kiến trúc, thích tìm hiểu về lịch sử, hay muốn đến để chiêm ngưỡng những cổ vật có từ hàng ngàn năm trước, thì đây quả là điểm đến lý tưởng. Không những là di tích nổi tiếng, chùa còn là nơi dành cho những ai cần không gian yên bình để thư giãn, để tìm lại chính mình giữa một Sài Gòn vốn hối hả, bộn bề…
Nội dung bài viết
1. Lịch sử chùa Xá Lợi
Chùa Xá Lợi được khởi công xây dựng vào ngày 5 tháng 8 năm 1956, được nhượng lại từ câu lạc bộ Đông Dương với giá tượng trưng là một đồng bạc Việt Nam. Khu đất tọa lạc tại góc đường Lê Văn Thạnh (nay là Sư Thiện Chiếu) và Bà Huyện Thanh Quan. Công trình kiến trúc theo bản vẽ của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, công trường xây dựng được điều khiển bởi hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hồ Tố Thuận. Chùa được hoàn thành vào ngày 2 tháng 5 năm 1958.
2. Nguồn gốc tên chùa Xá Lợi
Chùa Xá Lợi được xây dựng với mục đích tôn thờ xá lợi Phật và để làm hội quán chính thức của hội Phật học Nam Việt. Chính vì thế ban đầu chùa có tên là chùa thờ Xá Lợi, trong quá trình xây dựng, dân chúng quen gọi tắt là chùa Xá Lợi.
Di sản văn hóa nhà Phật
Một điều nữa khiến chùa Xá Lợi trở nên đặc biệt hơn so với hàng trăm ngôi chùa khác tại Sài Gòn, đó là ngôi chùa sở hữu nhiều báu vật mang giá trị văn hóa và tâm linh cao. Như ngọc xá lợi Phật, bộ kinh cổ tiếng Pali từ Srilanka, cây bồ đề được chiết cành từ cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo, hay bức hoành chứa 4 chữ Hán do chính tay Từ Hy Thái Hậu viết…
Nét đặc trưng trong kiến trúc
Khác với những ngôi chùa khác tại Việt Nam, chùa Xá Lợi chỉ thờ tượng Phật Thích Ca lớn tại Chánh Điện. Tượng đúc xong được an vị vào ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu (1958). Đến năm 1969, pho tượng được thếp lại toàn thân bằng vàng như hình dáng ngày nay. Tượng Phật chùa Xá Lợi là một tác phẩm mỹ thuật của người Việt Nam với đường nét hài hòa cân đối, không bị ảnh hưởng các nền văn hóa khác, là khuôn mẫu tiêu biểu cho nhiều tượng Phật được thực hiện sau này.
Chùa có một tháp chuông 7 tầng, tầng cao nhất là một cổ lầu có treo một đại hồng chuông cân nặng 2 tấn. Quả chuông được đúc theo mẫu của chuông chùa Linh Mụ -Huế.
Chung quanh chính điện ở tầng lầu được trang trí bằng một bộ tranh gồm 15 bức khổ lớn có giá trị nghệ thuật cao. Bộ tranh do chính giáo sư Nguyễn Văn Long ở trường Mỹ thuật Gia Định thực hiện năm 1958, mô tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ khi mới Đản sinh cho đến lúc thành đạo – nhập niết bàn.
Ngôi chùa chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử đau thương
Chắc hẳn chúng ta đều ít nhất một lần được nghe qua về sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự chèn ép của chính quyền Ngô Đình Diệm. Chùa Xá Lợi từng là nơi tu tập của Hoà thượng. Ngày 11- 06- 1963, một cuộc tuần hành xuất phát từ chùa Phật Bửu đi đến ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng và dừng lại đây. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã thắp lên ngọn đuốc tự thiêu, cầu nguyện cho đạo pháp trường tồn và chính quyền nhà Ngô thức tỉnh. Sự kiện này đã gây chấn động dư luận Việt Nam và thế giới.
Đỉnh điểm là sự kiện ngày 20- 08- 1963, chính quyền Diệm đã cho tấn công vào chùa Xá Lợi vào lúc nửa đêm- rạng sáng ngày 21- 08. Khoảng 200 người thuộc lực lượng đặc biệt đã tấn công vào chùa trong sự chống cự quyết liệt của Tăng ni, chúng lật đổ bàn thờ Bồ tát Quảng Đức, đập phá tất cả và tấn công lên chính điện. Trong đêm đẫm máu ấy có khoảng 250 vị Tăng ni đã bị bắt. Chùa Xá Lợi bị tàn phá tan hoang. Tượng Phật Thích Ca tại chính điện cũng bị xâm phạm.
3. Chùa Xá Lợi – nơi tâm hồn tìm về bản ngã
Gác lại những đau thương và mất mát trong quá khứ, chùa Xá Lợi ngày nay trở thành một trong những ngôi chùa năng động hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam. Không chỉ là nơi tu học, chùa còn là nơi yên tĩnh để mọi người tìm đến đọc sách, ôn bài hay vãn cảnh trầm tư, tìm lại sự cân bằng giữa Sài Gòn tấp nập. Hàng tuần chùa đều tổ chức những buổi sinh hoạt giáo lý cho tăng ni Phật tử và những người muốn tìm hiểu nghiên cứu triết lý Phật đà. Vào mỗi sáng chủ nhật, giảng đường mở cửa để mọi người đến nghe thuyết pháp, buổi chiều là lớp học giáo lý và sinh hoạt của thanh thiếu niên gia đình Phật tử.
Xem thêm: Chùa Phật Tích Bắc Ninh – Khám phá quốc tự 1000 năm tuổi