Vào những năm 70 của thế kỷ 19, dân làng Bình Hưng đã chung sức cùng nhau xây dựng một ngôi chùa làng trên một khu đất công thổ rộng 16 sào (đơn vị đo lường địa phương) để làm nơi cúng Phật. Do được xây dựng tại làng Bình Hưng (ấp 1, xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên ngày nay) nên chùa được gọi tên là Binh Hưng Tự.
Tìm hiểu về Chùa Phước Điền
Suốt hơn 50 năm từ khi xây dựng xong cho đến năm 1928, chùa Bình Hưng không có trụ trì mà chỉ có một ban Giám tự do dân làng cử ra trông coi và hương khói mỗi ngày. Đến năm 1928, Hòa thượng Chơn Điền (thế danh Phạm Văn Báo) thuộc dòng Lâm Tế đời 41 được dân làng cung thỉnh về trụ trì. Có người cho rằng chùa Bình Hưng được đổi thành chùa Phước Điền trong thời gian trụ trì của Hòa thượng Chọn Điền nhưng cũng có ý kiến khác lại nói rằng, tên chùa Phước Điền xuất hiện sau khi chùa được xây dựng lại vào những năm 1967-1968. Năm 1943, Hòa thượng Thích Thiện Khải (thế danh Phan Văn Tây) về kế thế trụ trì chùa Phước Điền. Là một nhà sư yêu nước, Hòa thượng Thiện Khải đã tham gia hoạt động Cách mạng và chùa Phước Điền tự thiêu hủy theo lệnh tiêu thổ kháng chiến. Hòa thượng Thiện Khải đã đi hành đạo và hoạt động Cách mạng nơi khác.
Được biết, sau ngày miền Nam Hoàn toàn giải phóng, Ngài là Trưởng ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai. Từ năm 1946 đến 1967, một phần vì chùa Phước Điền nằm trong vùng chiến sự ác liệt, một phần dân địa phương phải đi sơ tán nơi khác nên chùa Phước Điền không được trùng tu lại.
Mãi trong 2 năm 1967 – 1968, thầy Huệ Minh về trùng tu, xây dựng lại, sau đó mời Thượng tọa Thích Trí Độ về trụ trì cho đến năm 1976. Trong thời gian từ 1968 đến 1975, chùa Phước Điền với Thầy Huệ Minh là một cơ sở hoạt động bí mật, nơi tiếp tế lương thực và vận chuyển vũ khí cho dân và quân huyện Tân Uyên. Từ năm 1976 đến 1991, do không có trụ trì và Phật tử ít nên chùa Phước Điền được dùng làm nơi chứa phân bón, chứa lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bạch Đằng. Đến năm 1991, chùa Phước Điền được trả về cho Phật tử địa phương và Thầy Thiện Hải (thế danh Nguyễn Văn Đông) về trụ trì trong 1 năm.Từ năm 1992 đến nay, trụ trì chùa Phước Điền là Thầy Thiện Nguyện (thế danh Châu Hòa).
Do được xây dựng lại vào năm 1968, từ đống đổ nát của ngôi chùa tự thiêu hủy theo lệnh tiêu thổ kháng chiến, do nằm trong vùng chiến sự ác liệt trong những năm trước giải phóng và do một thời gian dài được sử dụng sai mục đích và đến nay vẫn chưa được đại trùng tu nên chùa Phước Điền đã xuống cấp trầm trọng. Tuy sân chùa chỉ có ngôi tháp thờ vị cố Hòa thượng trụ trì trước đó, tượng Phật bà Quan Âm lộ thiên và Miếu thờ Liệt sĩ, thế nhưng quanh chùa là một vườn cây ăn trái xanh tươi sát bên đường liên xã nên chùa Phước Điền vẫn giữ được vẻ cổ kính của một ngôi chùa có bề dầy lịch sử.
Xem tiếp: Chùa Phước Lâm ra đời như thế nào