Núi Non Nước ở phía Đông Bắc thành phố Ninh Bình, cao gần 70m, đỉnh tương đối bằng phẳng, phía trước nhô cao hơn phía sau. đứng lặng lẽ soi mình bên bờ sông Đáy, tạo nên vẻ huyền diệu sơn thủy hữu tình. Phía Bắc và phía Đông chân núi, lưỡi sóng đã liếm mòn quanh bào gọt, khoét sâu hõm vào, làm cho thế núi muốn nhô ra để soi trọn mình trên tấm gương sông Đáy.
1. Lịch sử hình thành chùa Non Nước
Vì vậy, vào thời Lý. đời vua Lý Nhân Tông, năm Quảng Hựu thứ 7. Tân Mùi (1091) có dựng ở trên đỉnh núi một tháp thờ Phật, tên là Linh Tế. Tháp Linh Tế chính là ngôi chùa ở trên đỉnh núi cao. Thời gian sau tháp đã đổ vỡ. Đến năm Đinh Sửu, niên hiệu Khai Hựu thứ 9, đời vua Trần Hiến Tông (1337), tháp Linh Tế được khởi công xây dựng lại. kéo dài trong 6 năm, mãi đến năm 1342 mới hoàn thành.
Núi Non Nước có tháp Linh Tế đã tôn thêm vẻ mộng mơ, lung linh, hư ảo. đẹp như một “ rơi cỗi lục ’’(Nguyễn Trãi). Tháp Linh Tế là một công trình kiến trúc độc đáo, uy nghi, kiêu hãnh, là một ngôi chùa cao chất ngất, tôn nghiêm, trầm mặc mang dấu ấn các thời đại phong kiến, đi vào sự ngưỡng mộ của lòng người. Người đứng lên chủ trì việc xây dựng tháp là nhà sư Trí Nhu – học trò Pháp Loa. Trương Hán Siêu – một bậc danh sỹ thời Trần đã đặt tên cho núi Non Nước là Dục Thúy là tắm, là chim trả) – Con chim trả tấm bến sông nước bạc.
Niên hiệu Thiệu Phong thứ 3 (1343), triều vua Trần Dụ Tông, Trương Hán Siêu đang giữ chức Tả gián nghị Đại phu ở triều đình, do yêu cầu của sư Trí Nhu đã viết bài “Dục Thúy sơn Linh Tế tháp kỷ” (Bài ký tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy), cho khắc bên sườn núi về phía tay phải lối đi lên núi.
2. Thiết kế chùa Non Nước
Hiện nay, bài ký đó vẫn còn. Trên 650 năm đã qua, bất luận thời gian, trải qua bao mưa nắng nét chữ xưa khắc trên vách đá vẫn không mờ, như một tác phẩm tạo hình hoàn chỉnh đã cuốn hút nhiều du khách đến thướng ngoạn và chìm say trong cảnh núi sông tuyệt mỹ. Bài ký lưu truyền về công việc xây dựng tháp Linh Tế và ca ngợi các nhà sư có công xây dựng lại tháp. Ngày nay tháp Linh Tế không còn. Từ xa xưa, người Ninh Bình đã xây dựng một ngôi chùa thờ Phật ở dưới chân núi Dục Thuý về phía Đông. Chùa được mang tên “Sơn Thủy Tự (chùa Non Nước), quay hướng đông nam, xây bằng đá, mái cong, đầu đao uốn lượn như những ngôi chùa cổ kính khác. Điều độc đáo của chùa Non Nước là chùa xây dựng sát chân núi, dựa vào các vòm đá, núi và chùa hòa quyện với nhau. Phía đông bắc chùa lại là dòng sông Đáy chảy xuôi ra biển. Chân núi bên dòng sông có động Thủy Thần. Nối ra động Thủy Thần là cây cầu đá cong cong xây dựng cùng thời với chùa Non Nước. Gần đó còn có động Tam Phủ. Một thời gian sau, chùa được xây dựng lại to rộng hơn, vẫn dựa vào các hõm núi ở dưới chân núi Dục Thúy, quay hướng đông nam, nhìn ra dòng sông Đáy, quả là một thế đất đẹp,
Phía đông núi, nước biển hàng triệu năm đẽo gọt làm cho vách đá nhẵn lỳ như mài và mòn lõm chạy sâu vào, con người đã dựa vào những kỳ công tuyệt tác đó của tạo hóa để xây dựng chùa. Và như một điều hiển nhiên những ai muốn đến thăm núi Dục Thúy thì đều vào chùa Non Nước thắp hương lễ Phật trước khi leo lên gần 100 bậc đá để đến đỉnh núi. Cảnh đẹp của núi và khuôn viên chùa hòa nhập với nhau, gắn bó, tương hỗ nhau để làm cho núi Dục Thúy cổ kính, tâm linh, trang nghiêm và có hồn hơn. Chính chùa Non Nước đã bổ sung cho cái đẹp hoàn chỉnh của núi Dục Thúy. Năm 2005, chùa Non Nước được xây dựng lại, làm mới toàn bộ từ tượng Phật, Phật điện đến nhà Tổ và Phủ.
Từ hướng nam đi vào, kiến trúc đầu tiên là Tam quan, qua “nhất chính đạo đổ bê tông rộng, bên phải là vườn chùa có 3 tháp mộ cao 3 tầng, bên trái là một con rồng đắp bằng bê tông dài 19m, đuôi ở phía nam, nằm sát Tam quan, đầu gối lên một hòn đá cảnh có dáng hình con voi, chầu vào chùa.
Qua đầu rồng rẽ bên trái là sân chùa lát gạch. Sát bờ sông Đáy ở phía đông bắc được kè đá, xây tường, dựng xiên hoa sắt. Ở sân chùa có một tượng Phật Bà Quan Âm cao 7,1m (cả bệ) tạc bằng đá trắng, đứng nhìn ra sông Đáy, tay phải bắt quyết, tay trái cầm bình nước Thánh, ở Ninh Bình, chỉ có chùa Am (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) và chùa Non Nước mới có tượng đá trắng cao to như thế. Trước tượng có bàn thờ, mặt bàn bằng đá trắng và một đỉnh hương lớn cũng bằng đá trắng. Sau tượng Phật Bà Quan Âm là 4 tượng thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh cũng bằng đá trắng.
Từ sân gạch bước lên 4 bậc đá mới vào chùa, nền chùa cao hơn sân gạch gần 1 m. Chùa quay hướng đông nam, xây dựng theo kiểu cổ đằng (như chùa ở Trung Quốc), các cột, xà đều làm bằng bê tông cốt thép, có độ cao từ nền lên đến đỉnh gần 10 m.Mặc dù xây dựng theo kiểu Trung Quốc nhưng kiến trúc của chùa vẫn theo kiểu chữ “đinh (Hán tự). Tiền đường 3 gian rộng, có 3 tầng mái cong, ngoài hiên là 4 cột đá vuông, không chắp nối, cao gần 4m, mặt cột phía trước chạm khắc các câu đối bằng chữ Hán. Trong Tiền đường đặt 2 tượng Hộ Pháp, tượng Đức Ông và tượng Đức Thánh Hiền.
Nối với Tiền đường là Hậu cung 3 gian, có cửa võng, xây các bệ thờ từ trên cao xuống thấp đặt các tượng Phật như các ngôi chùa khác. Các tượng Phật đều được làm mới, tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Nhà Tổ quay hướng đông bắc, hồi phía tây bắc sát với Tiền đường chùa, nhìn ra sông Đáy, gồm 6 gian, cũng có 5 cột đá vuông to cao ngoài hiên, 3 gian giữa đặt tượng thờ Tổ, các gian hai bên là phòng khách.
Phủ của chùa cũng quay hướng đông bắc, nhìn ra sông Đáy, nhưng xây dựng sát vào chân núi Dục Thúy, liền ngay với Hậu cung bên phải của chùa. Kiến trúc của Phủ là hai tầng mái cong, gian giữa đặt tượng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Sát vách núi ở ngoài hiên Phủ, quay hướng đông nam là động Sơn Trang.
Vì chùa Non Nước làm sát chân núi Dục Thúy lại ở bên bờ sông Đáy nên xây dựng Phật điện, nhà Tổ và Phủ đứng liền nhau, còn đất của sân chùa, vườn chùa lại dài theo bờ sông Đáy. Đây là chùa mới được làm lại nên hoành tráng, đồ sộ và đẹp hơn trước nhiều. Đó là nơi tâm linh mà con người cần tìm đến, cầu mong có nhiều phúc lành, sống cho thanh thản đạo đời để xây dựng quê hương đổi mới đi lên. Đây là một quần thể kiến trúc cổ đan xen, tô thêm màu sắc cho cảnh đẹp núi Dục Thúy, để khói hương ngát tỏa, tiếng mõ, tiếng kinh, tiếng chuông chùa văng vẳng vang xa, hòa nhập với tiếng chim kêu ríu rít, tiếng gió thổi mát lạnh trong các lùm cây xanh biếc xung quanh núi và cả tiếng mái chèo khua nước nhẹ trên sông, tiếng sóng vỗ vào các mô đá, vách đá … Tất cả hợp thành tạo nên một bức tranh thủy mặc Non Nước hữu tình của cảnh Phật đầy âm thanh và sắc màu hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Rất ít các ngôi chùa có được đặc ân đó.
Đến lễ Phật ở chùa Non Nước, du khách sẽ có dịp đọc các bài thơ chữ Hán khắc trên các vách núi của các nhà vua và các tao nhân mặc khách nổi tiếng như: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Tự Đức, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huy Oánh, Ngô Phúc Lâm, Phạm Văn Nghị, Tản Đà…. Con chim trả khổng lồ ấy đã xăm đầy mình và đôi cánh những bài thơ bất hủ. Những “vách gấm này đã dựng giữa trời mây Non Nước bao la cái tinh thần dân tộc tô thắm cho mảnh đất này một nét đẹp văn hóa. Chùa Non Nước đã trở thành một danh lam cổ tích, người người xa gần tấp nập đến lễ bái, văn cảnh