Đến nay, vẫn chưa ai tưởng tận năm khai sơn chùa An Phước và vị trụ trì đầu tiên của chùa. Chỉ còn các vị bô lão địa phương nhớ được rằng chùa An Phước trước đây còn có tên là chùa Mục Đồng và đã trên 150 năm tuổi. Liên quan đến tên chùa Mục Đồng, người ta còn kể lại rằng, chùa được xây dựng trên nền đất trước đây là nơi thờ cúng các tượng Phật được nặn bằng đất sét của trẻ chăn trâu.
Tìm hiểu về Chùa An Phước
Sau khi nặn tượng xong, các trẻ chăn trâu liệng xuống giếng hoặc ao nước, tượng nào nổi sẽ được đem về thờ. Nếu không ai nhớ được tên tuổi, pháp danh và thời gian trụ trì của vị trụ trì đầu tiên cũng như các vị sau đó thì ít ra cố người cũng biết được rằng đã từng có một vị Hòa thượng là Cao Minh Thiền sư đã từng là trụ trì chùa An Phước.
![tìm hiểu về Chùa An Phước](https://tienamphu.com/wp-content/uploads/2017/10/chua-an-phuoc_lg.jpg)
Đến năm 1959, Giáo thọ Nguyễn Văn Trực (không rõ pháp danh) đã đứng ra trùng tu ngôi Tam Bảo và sau đó trụ trì tại chùa và viên tịch vào năm 1979. Kế đến là Sư bà Diệu Minh (thế danh Trần Thị Mười) trụ trì đến năm 1994. Khi kế thế trụ trì chùa An Phước, Đại đức Thích Nhựt Đạt (thế danh Nguyễn Văn Giao) đã trùng tu nhà Tổ và Chánh điện như ngày nay. Sinh năm 1949 tại làng Đông Hòa trong một gia đình nông dân, năm 11 tuổi xuất gia tại chùa Linh Phước và thọ Tỳ kheo vào năm 1972 cũng tại chùa Linh Phước.
Tọa lạc trên một khu đất không rộng lắm, chùa An Phước không có cổng tam quan và hàng rào bao quanh chùa chỉ làm bằng tầm vông. Chánh điện chùa An Phước lợp ngói âm dương, tường xây gạch và nền chỉ được tráng ciment đơn giản. Nếu cho rằng chùa An Phước không đẹp, không bề thế, khang trang như nhiều chùa khác ở Bình Dương thế nhưng chùa có một điểm nổi bật: tính chân quê và quang cảnh hết sức yên tịnh. Ngoài ra, chùa An Phước còn được biết đến như một nơi còn lưu giữ một chiếc Đại Hồng Chung đã có tuổi trên 100 năm.