Chắc rằng không một người Việt Nam nào không biết đến nén hương (nén nhang), và cũng không một ai trong cuộc đời chưa từng thắp một nén hương.
Từ thuở ấu thơ, khi bắt đầu nhận biết, bạn đã thấy ông bà, bố mẹ thắp những nén hương trên bàn thờ cúng tổ tiên. Rồi những ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng, các ngày giỗ trong năm, những ngày hỏi cưới hạnh phúc, những ngày tết, những ngày tu sửa mồ mả, những ngày có công việc hệ trọng như làm nhà, đi xa, đi thi, lễ ở chùa, hội hè đình đám ở các đền, tế lễ ở đình miếu… đều phải thắp hương
Đến khi con người nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời, người ta cũng thắp những nén hương để vĩnh biệt. Có thể nói, nén hương như một nhân chứng chứng kiến biết bao sự thăng trầm, buồn vui, theo suốt cuộc đời của một con người.
Khi thắp hương lên, không khí linh thiêng bao trùm tất cả. Sự ồn ào xô bồ tan biến hết. Con người chỉ còn thánh thiện, tâm linh hướng về những đáng vô hình kỳ ảo, màu nhiệm. Một sự tĩnh lặng trong tâm hồn, để đến với thần linh và người đã mất giao thoa, hoà nhập. Nén hương là sợi nối giữa cõi âm và cõi dương, giữa cái hữu hình và cái vô hình, tức là giữa người sống và người chết. Đó là lời kính cẩn, thông báo, mời người chết, thần linh về với cõi trần. Nó cũng tỏ lòng ta hướng về cội nguồn, tổ tiên như vật chuyển tải tình cảm, chuyển tải những lời cầu khấn, khát vọng của con người đến thần linh và người chết. Người ta còn cầu mong sự cứu giúp của thần linh, của hồn người chết ở ngay hiện tại. Sự đối thoại ba chiều đó âm vang trong làn khói hương mênh mông vô hạn. Trong ‘Truyện Kiều ”, Nguyễn Du miêu tả cảnh đi thanh minh của chị em Thúy Kiều, khi biết được nấm “mổ vô chủ ” chôn cất Đạm Tiên, Thúy Kiều cũng đã “Sẵn đây ta thắp một vài nén hương thì hương hồn của Đạm Tiên đã hiện về nói chuyện với Thúy Kiều.
Trong bài thơ “Mẹ Tơm’ Tố Hữu viết:
“Đốt nén hương thơm, mát dạ Người
Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi
Nhà thơ thắp hương để thể hiện tình cảm biết ơn của mình với mẹ Tơm.
Vào những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, từ những vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đến người dân thường, dường như ai cũng đến Đài tưởng niệm liệt sỹ của Tổ quốc xây dựng tại quảng trường Ba Đình. Hà Nội để thắp hương. Đó là bát hương to nhất, cao nhất, linh thiêng nhất để cho những người dân Việt Nam giao hoà tình cảm, biết ơn đến các bậc tiền bối, anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước.
Phải chăng, nén hương là đạo lý, lòng hiếu thảo, nghĩa thủy chung, tình cảm “Uống nước nhớ nguồn” của con người, của cả dân tộc. Hương thắp bao giờ cũng có mùi thơm. Con người quan niệm mùi thơm là mùi của linh thiêng, huyền bí. Mùi thơm của hương cũng làm cho quỷ dữ, ma thiêng phải xa lánh! Nó cũng khử được mùi uế tạp trong những đám tang lạnh lẽo, buồn đau. Mùi thơm của hương còn làm thư giãn khứu giác và làm cho hơi thở trầm lại, êm ả, không những thế, mùi thơm của hương sẽ làm cho không khí như dịu mát thêm, trong lành hơn. Nó thoang thoảng như mùi hoa nhài, hoa cau, hoa bưởi, hoa thiên lý ở quanh nhà – một sự khác biệt trong những ngày thường. Khi hương nghi ngút cửu trùng, làm cho người ta tin vào sự cầu mong của mình sẽ thành đạt, là điểm tựa cho tâm lý của con người trong cuộc sống tỏa bay như thấu tới ở Việt Nam, có lẽ hương bắt đầu được dùng vào khoảng đầu thế kỷ thứ II sau Công nguyên, tức là từ khi đạo Phật đã du nhập vào nước ta, lúc đầu người Việt Nam dùng hương để lễ Phật, sau đó mới dùng trong gia đình và các công việc khác. Cũng từ đó, nước ta xuất hiện nghề làm hương.
Hương có các loại như: hương xạ, tông bái, trầm, đen, vòng … Nguyên liệu chính để làm hương gồm: tăm, hương liệu và chất kết dính. Tăm được làm bằng nửa ngộ bánh tẻ. Hương liệu là các thứ: xạ, trầm, nhựa trám, thảo quả, xuyên khung, sa nhân. Chất kết dính làm bằng vỏ cây rè rớt. Đem hương liệu tán nhỏ trộn đều vào chất kết dính. Sau đó đem nó bọc lấy tăm, không bọc hết, để lại một đoạn nhuộm phẩm màu (đỏ, xanh, vàng) là chân hương. Muốn cho hương không dính vào nhau khi bó cho vào thẻ thì xoa thêm ít bột vỏ cây dó, bồ đề.
Khi thắp hương, người ta thường chỉ thắp 1, 3 hoặc 5 nén, tức là dùng số lẻ, thuộc về dương, thuộc về người đang sống.Đi lễ chùa, đền, đình, miếu mạo… chỉ thắp một nén hương. Số 1 là số tròn, hợp bởi âm dương, được coi là bao trùm tất cả. Thắp hương một nén gọi là tâm hương, có ý nghĩa 5 sắc hương thơm, gồm: giới hương (tự nhắc nhở mình giữ vững giới luật kiêng kị), định hương (giữ cho lòng yên ổn trước cám dỗ), tuệ hương (làm cho trí tuệ minh mẫn), giải thoát hương (giúp lòng thoát khỏi vòng hiểm họa của những ác nhân, những ham muốn tội lỗi), trì kiến hương (vững tin tiến đến sự giải thoát). Chỉ khi nào muốn có sự thay chuyển hoặc hoang mang trước một biến cố, thì mới thắp 3 nén hương ở chùa. Số 3 là số lẻ. Khuynh hướng lẻ bao giờ cũng muốn chuyển thành chẵn, thích động, phù hợp với sự chuyển đổi. Những ngày giỗ, tết ở gia đình, cũng thắp 3 nén hương. Đền và chùa nào có thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn (rừng) thì thắp 5 nén hương, và ở những nơi thờ ngũ hổ tướng quân, cũng thắp 5 nén hương. Còn 7 nén hương chỉ được thắp vào ngày rằm tháng 7 (âm lịch), cúng ngoài trời, cắm hương vào cây um tùm như cây đa chẳng hạn, không cắm hương vào cây bồ đề, cây đại. Những cây um tùm là nơi hội tụ của linh hồn chúng sinh thập phương. Thắp hương cả bó không thể hiện điều gì. Nếu tổ chức lễ dâng hương, thì thắp 3 nén hương, cúi mình lạy 5 lạy. Con số 3 và 5 ở đây là theo các đạo Giáo, đạo Phật: Tam quy (Phật, Pháp, Tăng), Ngũ giới (tránh sát sinh, nói đối, trộm cướp, tà dâm, rượu); đạo Khổng: Tam cương (quân thần, phụ tử, phu phụ), Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín); đạo Lão: Tam nguyên (trời, đất, người), Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).
Khi thắp, cầm hương đưa đầu nén hương vào lửa nến hoặc đèn cho cháy đỏ. Sau đó, dùng hai tay dâng hương lên ngang trán, vái 3 vái, rồi dùng cả hai tay cắm vào bát hương trên bàn thờ. Chỉ được cầm vào chân hương và phải để cháy hết tuần hương mới tiến hành hạ lễ. Nén hương còn tượng trưng cho kiếp sống của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, sống khép mình trong nỗi niềm bếp núc, mình biết phận mình tự cháy, tự tàn: Nhà thơ cảm động vì tấm lòng bền bỉ săn sóc ngày đêm của bà Tú đêm đêm đốt nén hương, bát nước cầu khấn cho chồng khỏi bệnh – nên nén hương có tác dụng mãnh như thuốc thánh, bùa tiên.
Tuy nhỏ nhắn, mảnh mai, nhưng với mùi thơm ngào ngạt, nén hương đã có sức mạnh hội tụ, đoàn kết con người lại với nhau lúc vui, khi buồn, để hòa quyện giữa âm dương, làm cho con người thêm tin và khát khao hơn trong cuộc sống thường nhật.